Giải bài toán áp lực trường công
Bình Phước hiện có 15 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu kinh tế cửa khẩu, thu hút hàng chục ngàn lao động đến sinh sống, làm việc. Từ đó dẫn đến học sinh, nhất là bậc mầm non tăng cơ học nhanh. Trong khi các trường mầm non công lập quá tải do cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đáp ứng kịp thì việc ra đời các trường mầm non, cơ sở mầm non tư thục đã giải được bài toán này. Không chỉ vậy, các giáo viên mầm non tư thục còn đi sớm, về trễ, nhận giữ trẻ cả ngày thứ Bảy, kỳ nghỉ hè, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Các cháu Trường mầm non Công viên Quốc tế trong giờ trải nghiệm ngoài trời
Ðiểm tựa của công nhân
Sáng thứ Bảy cuối tuần, nhưng mọi hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại Trường mầm non Công viên Quốc tế, KCN Đồng Xoài I, thành phố Đồng Xoài vẫn diễn ra như bao ngày khác. Với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh người ngoại quốc, đã tạo điều kiện cho tất cả trẻ được học tập, vui chơi, trải nghiệm phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Mầm non Công viên Quốc tế là ngôi trường liên kết giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và doanh nghiệp giáo dục, với mong muốn có một nơi chăm sóc tốt nhất cho con em công đoàn viên. Khuôn viên trường rộng hơn 1 ha, trong đó 50% diện tích để xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp, các phòng học, phòng chức năng, bộ môn, nhà ăn riêng với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang, hiện đại; 50% diện tích còn lại là khu công viên vui chơi, trải nghiệm cho trẻ. Với cơ sở vật chất hiện có, trường thu hút 150 trẻ theo học, được chia thành các nhóm, lớp từ 12 tháng đến 5 tuổi, trong đó phần lớn là con em công nhân.

Các cháu Trường mầm non Công viên Quốc tế làm quen với môn Tiếng Anh từ giáo viên nước ngoài
Cô Lương Thị Kim Thanh, đại diện quản lý Trường mầm non Công viên Quốc tế cho biết: Học sinh của trường đa số là con em công nhân, nên trường thực hiện cơ chế đặc thù để tạo điều kiện tốt nhất cho phụ huynh yên tâm làm việc. Đó là từ khoảng 6 giờ 30 phút bắt đầu đón trẻ, cho ăn sáng; buổi chiều tùy việc tăng ca của phụ huynh có thể giữ trẻ đến 20 giờ, đồng thời tổ chức dạy học bình thường vào thứ Bảy hằng tuần. Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy học toàn bộ kỳ nghỉ hè để phục vụ nhu cầu phụ huynh.
Cô Nguyễn Hoàng Diễm công tác nhiều năm tại Trường mầm non Công viên Quốc tế chia sẻ: Thấu hiểu cường độ làm việc mệt nhọc của công nhân nên khung giờ làm việc của giáo viên thường không cố định mà linh động, có thể đến sớm hoặc về trễ để đáp ứng nhu cầu tăng ca của phụ huynh. Dù có khó khăn nhưng bù lại giúp phụ huynh yên tâm làm việc nên bản thân cảm thấy vui, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình.
Chị Hà Thị Ngọc, phụ huynh học sinh cho biết, có 2 lý do rất quan trọng để chọn trường tư thục cho con theo học. Đó là trường linh động về giờ giấc, đón sớm, trả muộn, tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm giải quyết công việc. Đồng thời, tại trường, trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên tối về chỉ cần cho ăn bổ sung trước khi đi ngủ. Chính những lý do đó nên tôi rất an tâm khi gửi trẻ ở ngôi trường này.
Đồng quan điểm, chị Phan Thị Thanh Thúy, công nhân KCN Đồng Xoài I, có con gửi tại Trường mầm non Công viên Quốc tế chia sẻ: Trường cách nơi làm việc, nơi ở chỉ mấy bước chân nên rất thuận lợi cho việc đưa, đón con. Đặc biệt, trường tổ chức giữ trẻ ngoài giờ hành chính nên tôi cũng yên tâm làm tăng ca đến 8 giờ tối và cả ngày thứ Bảy.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của công nhân, nên ngoài nhận giữ trẻ ngoài giờ, tổ chức thêm bữa ăn tối nếu phụ huynh làm tăng ca, trường còn thực hiện nhiều chế độ, chính sách khác, như: miễn giảm học phí cho con em công đoàn viên; anh, chị em họ, anh chị em ruột cùng học tại trường; con em hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng…
Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh
Bình Phước đang trên đà phát triển mạnh với 15 KCN, 1 khu kinh tế cửa khẩu, thu hút khoảng 84.000 lao động đến sinh sống, làm việc. Sự gia tăng lao động nhập cư kéo theo áp lực về mạng lưới cơ sở giáo dục, do tăng học sinh, đặc biệt là nơi tập trung nhiều KCN như Chơn Thành, Đồng Xoài, Đồng Phú. Chỉ tính riêng thành phố Đồng Xoài, bình quân mỗi năm tăng 1.000 học sinh, trong đó phần lớn là bậc mầm non. Học sinh tăng cơ học nhanh dẫn đến quá tải về trường lớp, đội ngũ giáo viên do chưa đáp ứng kịp. Để đảm bảo cho việc dạy học thì bậc tiểu học, THCS buộc phải dồn lớp, trong khi bậc mầm non đã có hệ thống trường tư “cứu cánh”.
Ông Ngô Văn Quyền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài cho biết: Thành phố hiện có khoảng 12.000 trẻ, trong đó có 8.000 trẻ đã ra lớp. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ có 10 trường mầm non công lập, thu hút 4.400 trẻ, bình quân 440 trẻ/trường, chiếm 55% số trẻ toàn thành phố ra lớp. Số còn lại 3.600 trẻ học tại 10 trường mầm non tư thục và khoảng 60 nhóm, lớp độc lập tư thục được cấp phép, chiếm 45% trẻ ra lớp. Ngoài giảm áp lực cho trường công, việc hình thành các trường mầm non tư thục, nhóm, lớp mầm non độc lập còn góp phần giảm nguồn đầu tư rất lớn cho ngân sách địa phương, bình quân mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, không tính chi phí đất đai, cơ sở vật chất trường lớp.
Thị xã Chơn Thành hiện có 4.935 học sinh bậc mầm non; trong đó 2.637 trẻ học tại 11 trường tư thục và 31 nhóm, lớp ngoài công lập, chiếm 53,43% học sinh mầm non toàn thị xã đã ra lớp. Hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập hiện đã đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn thị xã, giảm áp lực về trường lớp mầm non công lập.

Một tiết rèn chữ của học sinh Trường mầm non Công viên Quốc tế, Khu công nghiệp Đồng Xoài I, TP. Đồng Xoài
“Nhằm cụ thể hóa Kết luận số 373-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, thị xã Chơn Thành luôn quan tâm công tác phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Các doanh nghiệp và cá nhân đã chung tay đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, góp phần đưa ngành giáo dục thị xã ngày càng phát triển và giảm áp lực cho trường công” - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành Nguyễn Văn Diễn chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có 169 trường mầm non với 47.934 trẻ theo học; trong đó 46 trường mầm non tư thục và 150 nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục được cấp phép hoạt động, thu hút hơn 11.400 trẻ theo học, chiếm 23,82% số trẻ toàn tỉnh ra lớp. Việc hình thành các trường mầm non, nhóm, lớp trẻ độc lập, tư thục không chỉ giảm tải cho các trường mầm non công lập khu vực thành thị, đông dân cư, KCN mà còn giảm nguồn đầu tư ngân sách lớn cho địa phương. Đây là hướng đi đúng nhằm cụ thể hóa Kết luận số 373 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.