Giấc mơ xanh trên vùng đất gò đồi
HNN - Từ bỏ công việc ổn định tại TP. Đà Nẵng, Trần Hữu Trí (sinh năm 1995) ở thôn Ka Tư, xã Hương Phú, huyện Phú Lộc cũ - nay là xã Khe Tre quyết định trở về quê nhà lập nghiệp với mô hình farmstay kết hợp nông nghiệp hữu cơ và du lịch trải nghiệm.

Trần Hữu Trí với mô hình Farmstay
Từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Trí đã ấp ủ mong muốn được làm nông nghiệp sạch. Thời điểm đó, anh đã bắt đầu vận động gia đình dừng việc sử dụng thuốc diệt cỏ, từng bước chuyển sang hướng canh tác hữu cơ. “Chỉ khi đất sạch, thì cây mới lành, con người mới khỏe được”, Trí nói về động lực thay đổi tư duy sản xuất của gia đình mình.
Sau khi tốt nghiệp và có một thời gian làm việc tại TP. Đà Nẵng, năm 2020, Trí quyết định trở về vùng đồi rộng 3ha của gia đình để khởi nghiệp. Trên mảnh đất của gia đình, anh chọn phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ truyền thống, hạn chế tối đa việc can thiệp hóa chất vào đất và cây trồng. Với sự kiên trì của mình, Trí từng bước biến mảnh đất cằn cỗi thành khu vườn xanh mướt, đa dạng cây trái.
Trước khi bắt tay xây dựng farmstay, Trí thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy để tìm hiểu các mô hình farmstay tại các tỉnh như Phú Yên, Đồng Nai (cũ)… Anh còn sang Lào, Thái Lan để học hỏi thêm kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp. Những chuyến đi ấy không chỉ giúp Trí mở rộng tầm nhìn, mà còn là cơ hội quý giá để anh tích lũy kiến thức thực tế, chuẩn bị cho mô hình của riêng mình.

Trần Hữu Trí (phải) giới thiệu về quy trình sản xuất hữu cơ
“Tôi còn được địa phương hỗ trợ, tổ chức đi tham quan học tập mô hình farmstay ở Quảng Nam (cũ) và TP. Đà Nẵng… Việc được tiếp cận thực tiễn từ nhiều mô hình khác nhau đã giúp tôi có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình triển khai kế hoạch của mình ” - Trí cho biết.
Farmstay của Trí hiện được xây dựng trên diện tích khoảng 1ha, nằm giữa khu đồi thoáng đãng. Không gian nơi đây xanh mát với vườn cây trái xen kẽ rau màu, hồ sen, hoa cỏ khoe sắc cùng những căn homestay nhỏ xinh và cả những lối đi bằng đá, cầu tre thân thiện với môi trường. Trong vườn, mít, ổi, bưởi, thơm… trồng xen cùng bầu, bí, đậu phụng, ngô… tạo nên một hệ sinh thái đa dạng. Du khách đến tham quan không chỉ được thưởng thức nông sản sạch tại chỗ mà còn được tự tay thu hoạch rau trái, trải nghiệm cuộc sống nông thôn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, Trí tận dụng nguồn thu từ các loại rau trái ngắn ngày để xoay vòng đầu tư vào mô hình. Đồng thời anh cũng trồng gần 3ha keo, tràm làm nguồn thu lâu dài. Nhờ sự nhạy bén trong tính toán và phân bổ nguồn lực, mô hình của Trí bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. “Làm nông cực lắm, nhưng tình yêu với cây và đất đã giúp tôi vượt qua gian khó. Nhìn cây cối lớn lên mỗi ngày là một niềm vui khó tả”, Trí bộc bạch.
Ngoài canh tác nông nghiệp, Trí còn định hướng phát triển farmstay theo hướng du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục. Anh đã tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm dành cho học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn, như vẽ tranh trên đá, trồng cây, bắt cá, chơi các trò chơi dân gian… Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui, sự hào hứng cho trẻ nhỏ, mà còn giúp các em hiểu hơn về lao động, môi trường và giá trị của nông nghiệp sạch.
“Do điều kiện thời gian còn hạn chế nên tôi chưa thể tổ chức được thường xuyên, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Phụ huynh rất tin tưởng, thầy cô ủng hộ, còn các em học sinh rất thích thú, điều đó là động lực để tôi tiếp thu phát triển mô hình”, Trí nói về hiệu quả bước đầu của việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp.
Anh Võ Minh Trí, (trước đây là Bí thư Xã đoàn Hương Phú, nay là chyên viên Văn phòng Đảng ủy xã Khe Tre) nhận xét: Mô hình farmstay của Trần Hữu Trí là một hướng đi sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái tại địa phương. Ngoài ra, Trần Hữu Trí cũng là điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn.