Vận tải Biển Việt Nam (VOS): Tiếp tục trẻ hóa đội tàu, tiếp nhận tàu hàng khô hơn 55.000 DWT
Sau khi tiếp nhận tàu hàng khô cỡ Supramax đầu tiên vào cuối tháng 1/2025, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS) vừa tiếp nhận thêm tàu hàng khô với tải trọng 55.886 DWT.
Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa cho biết đã chính thức tiếp nhận tàu hàng khô Vosco Prosper (tên cũ Ivy Alliance, được đóng vào năm 2011) với tải trọng 55.886 DWT (cỡ Supramax) tại Singapore theo hình thức thuê tàu trần (bareboat) dài hạn.
Đây là động thái mới nhất của Vận tải Biển Việt Nam trong việc trẻ hóa và mở rộng quy mô đội tàu nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trên thị trường quốc tế.
Vào cuối tháng 1/2025, công ty đã tiếp nhận thành công tàu hàng rời cỡ Supramax đầu tiên với tên gọi Vosco Starlight (55.868 DWT, đóng vào năm 2011) tại Nhật Bản. Ngay sau đó, công ty công bố kế hoạch thanh lý tàu Vosco Star (46.671 DWT), đã khai thác được 26 năm và không còn hiệu quả.

Tàu Vosco Prosper được Vận tải Biển Việt Nam thuê dài hạn theo hình thức tàu trần (bareboat).
Việc mua và thuê tàu hàng mới nằm trong kế hoạch nâng cấp đội tàu quy mô lớn của Vận tải Biển Việt Nam với chủ trương đầu tư thêm 10 tàu mới trong bối cảnh công ty chưa bổ sung tàu mới kể từ năm 2013.
Cụ thể, công ty dự kiến mua 02 tàu hàng rời Supramax (56.000 - 58.000 DWT/chiếc), đóng mới 04 tàu Ultramax (62.000 - 66.000 DWT/chiếc) và 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR (50.000 DWT/chiếc). Tổng giá trị đầu tư có thể lên tới hơn 410 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Vận tải Biển Việt Nam đã thuê thêm hai tàu chở hóa chất cỡ 13.000 DWT mang tên Đại Thành và Đại Hưng. Đầu năm nay, công ty tiếp tục nhận tàu Đại Quang theo hình thức thuê tàu trần.
Theo giới thiệu trên website công ty, Vận tải Biển Việt Nam hiện đang sở hữu 18 tàu, gồm: 10 tàu hàng khô, hàng rời; 05 tàu dầu; và 02 tàu container. Trong đó, đội tàu hàng khô đóng vai trò cốt lõi, được công ty khai thác trên cả thị trường nội địa lẫn các thị trường quốc tế, tuyến xa như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Phi, Australia, Nam Mỹ…
Các tàu dầu sản phẩm của Vận tải Biển Việt Nam có trọng tải 47.000 DWT và 50.000 DWT, chủ yếu vận chuyển các loại dầu sản phẩm. Đối với đội tàu container, công ty đang khai thác các tuyến nối Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh với lịch trình 02 chuyến/tuần.
Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2025, doanh thu của Vận tải Biển Việt Nam chỉ đạt 462 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chính là năm ngoái, công ty có hơn 521 tỷ đồng doanh thu từ mảng thương mại hàng hóa, nhưng năm nay khoản này không còn. Ngoài ra, một số tàu lớn như Vosco Sky, Vosco Unity và Vosco Starlight phải dừng hoạt động để sửa chữa định kỳ, dẫn đến không có doanh thu trong quý đầu năm.
Đồng thời, công ty tiến hành trích khấu hao nhanh để tạo dòng tiền phục vụ đầu tư. Ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam cho biết nếu áp dụng mức khấu hao thông thường thì công ty vẫn có lãi trong quý 1/2025.
Do đó, công ty ghi nhận lõ ròng gần 54 tỷ đồng trong quý 1/2025, xác lập quý lỗ thứ 3 liên tiếp và là mức lỗ nặng nhất kể từ quý 1/2020 đến nay.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu vận chuyển 7.5 triệu tấn hàng, tăng 16% so với năm 2024. Tuy vậy, tổng doanh thu dự kiến giữ nguyên ở mức 6,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế còn 376 tỷ đồng, đi lùi 10%.
Sau quý đầu năm không thuận lợi, Vận tải Biển Việt Nam kỳ vọng từ quý 2/2025 sẽ có doanh thu trở lại từ hoạt động thương mại để cải thiện kết quả.