Giấc mơ World Cup của bóng đá Đông Nam Á

Giấc mơ World Cup của bóng đá Đông Nam Á luôn là điều trằn trọc, khổ sở...

Giấc mơ World Cup của bóng đá Đông Nam Á có từ 2010. Rồi Đông Nam Á xoay xở nhiều lần, trong đó có cả việc muốn làm đồng chủ nhà World Cup.

Không kể lần Indonesia tham dự World Cup khi còn là thuộc địa của Hà Lan với tên Lãnh thổ Đông Ấn, giấc mơ World Cup của Đông Nam Á vẫn còn dang dở từ lâu lắm rồi. Các nước Đông Nam Á cũng từng hành động quyết liệt để hiện thực giấc mơ nhưng mãi bất thành, họ trằn trọc, xoay xở đủ kiểu, nhưng mơ ước chỉ là ước mơ.

 Làm sao cầu thủ Đông Nam Á, cầu thủ Việt Nam có được một sức mạnh tinh thần và khát khao vươn lên như kiểu Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: CTP

Làm sao cầu thủ Đông Nam Á, cầu thủ Việt Nam có được một sức mạnh tinh thần và khát khao vươn lên như kiểu Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: CTP

Bóng đá Việt Nam vẫn lên kế hoạch góp mặt ở World Cup 2030 nhưng bây giờ tuyển Việt Nam đang trong giai đoạn tuột dốc. “Cái đà” từ việc HLV Park Hang-seo đưa tuyển Việt Nam vào giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022, nhưng không ai tiếp bước “đẩy” lên cao hơn nữa mà lại đang xuống.

World Cup 2026 có 8,5 suất châu Á nhưng hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan chen chân không nổi vào giai đoạn 3. Thấy bài học từ Việt Nam và Thái Lan, HLV Shin Tae-yong và Indonesia quyết liệt nhập tịch ngoại binh khủng và tốn tiền của nhưng cũng đang có dấu hiệu phá sản khi qua bốn lượt trận (bảng C), Indonesia đang tuột xuống vị trí thứ 5, vị trí không thể tham dự được vòng play off. Còn nếu ông Shin Tae-yong dùng cầu thủ nội thì có lẽ Indonesia cũng như số phận tuyển Thái Lan hồi vòng loại World Cup 2018 (giai đoạn 3) toàn thua thảm và Việt Nam hồi vòng loại World Cup 2022 mà thôi.

Giấc mơ World Cup của Đông Nam Á vẫn chỉ là giấc mơ, quay sang trách móc VFF thì có lẽ cũng không sòng phẳng nếu chúng ta nhìn rộng ra bình diện Đông Nam Á.

Trước những năm 2010, Singapore quyết liệt với đề án “Goal 2010” với ê kíp chuyên gia và HLV người Đan Mạch sang làm việc lâu năm, trong đó có nhập tịch ngoại binh giỏi. Nhưng kết quả Singapore chỉ giành ba ngôi vô địch AFF Cup, vào vòng loại châu Á, hay vòng loại World Cup thì họ cũng thua thảm.

Rồi đến Thái Lan cũng đề án tương tự như “Goal 2010” của Singapore nhưng họ xây dựng nền móng từ đào tạo trẻ. Thời đó tỉ phú Thaksin là chủ tịch Man. City, ông giúp bóng đá nước nhà quyết liệt, bằng việc mỗi năm đưa hàng chục tài năng trẻ của Thái Lan sang Man. City đào tạo. Sau này Leicester City của gia đình cố tỉ phú Vichai cũng làm tương tự nhưng Thái Lan có thế hệ nào, ngôi sao nào đạt đẳng cấp châu lục? Kết quả mang lại cũng không có gì, ngoài việc Thái Lan vẫn là anh cả Đông Nam Á mà thôi.

Cũng cần nhớ rằng, đất nước Thái Lan dư thừa cơ sở hạ tầng phát triển bóng đá. Cỡ sân như Mỹ Đình mà mặt cỏ đẹp mượt mà thì họ có hàng chục sân từ Songkhla, đến Chonburi, Bangkok, Chiang Mai, Buriram, Korat. Chưa kể mỗi trường trung học là một sân bóng 11 người mặt sân cỏ chỉ rất đẹp....

 Tuyển Thái Lan với ngoại binh Elias Dolah khi đối đầu với Nhật Bản còn thua thảm hơn Việt Nam ở sân chơi vòng loại World Cup. Ảnh:CTP

Tuyển Thái Lan với ngoại binh Elias Dolah khi đối đầu với Nhật Bản còn thua thảm hơn Việt Nam ở sân chơi vòng loại World Cup. Ảnh:CTP

Thái Lan nhiều thập niên qua có rất nhiều tỉ phú sở hữu các CLB Anh từ ngoại hạng đến hạng nhất, thế nhưng bóng đá của họ bao nhiêu lần nỗ lực bơi ra biển lớn đều thất bại. Thất bại kế hoạch “Goal 2014”, Thái Lan hướng đến 2018 và thất bại tiếp. Sang World Cup 2022, tuyển Thái Lan thua Việt Nam, không vào nổi giai đoạn 3...

Vòng loại World Cup 2026, châu Á có đến 8,5 suất dự World Cup và giai đoạn 3 khu vực châu Á thay vì có 12 đội thì nay lên đến 18 đội nhưng cả Thái Lan và Việt Nam đều rơi rụng ở giai đoạn 2.

HLV Shin Tae-yong nhìn Thái Lan và Việt Nam hai kỳ vòng loại World Cup qua, nên rút ra bài học, quyết liệt tuyển ngoại binh khá, giỏi đang thi đấu châu Âu và Mỹ... nhưng cũng đang đau đầu vì Indonesia cũng không thoát khỏi cái danh "ao làng" trong làng bóng đá khu vực Đông Nam Á.

Tổ chức World Cup tại Đông Nam Á

Các lãnh đạo Đông Nam Á cũng từng có những cuộc gặp cấp nhà nước, cấp Bộ trưởng để tính chuyện đồng đăng cai World Cup 2030, 2034...nhằm có suất đá World Cup. Nhưng việc tổ chức World Cup lại tốn kém, thu hoạch chuyên môn cũng chẳng lấy gì làm lạc quan vì trình độ các đội bóng ở Đông Nam Á quá kém, cuối cùng mọi chuyện không đi đến đâu.

DUY ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giac-mo-world-cup-cua-bong-da-dong-nam-a-post815966.html
Zalo