Giấc mơ nào cho điện ảnh Việt?
Giải thưởng Oscar danh giá lần thứ 92 đã khép lại với chiến thắng vang dội của điện ảnh châu Á. Parasite (Ký sinh trùng) trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử và thắng giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất. Nhưng kỳ tích hơn, chính bộ phim này đã thắng giải Phim hay nhất - Giải quan trọng số 1 của Oscar. Nhìn vào kỳ tích của Ký sinh trùng, không ít người đã nghĩ về điện ảnh châu Á nói chung và điện ảnh Việt những năm tới, liệu, chúng ta có thể viết tiếp những giấc mơ?
Tiếng nói mạnh mẽ từ điện ảnh châu Á
Trong lịch sử 92 năm của giải Oscar, chưa có bất cứ một bộ phim nói tiếng nước ngoài nào (không phải phim nói tiếng Anh) từng thắng giải Phim hay nhất, ngay cả những bộ phim của các đạo diễn bậc thầy như Federico Fellini (Ý), Ingmar Bergman (Thụy Điển) trước đây hay Lý An (Đài Loan), Alfonso Cuaron (Mexico) gần đây. Vậy mà Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho (Hàn Quốc) chiến thắng vang dội với 4 giải thưởng lớn: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất và Phim quốc tế hay nhất.
Chiến thắng của Ký sinh trùng cũng được cho là kỳ tích, tạo ra rất nhiều những lần đầu tiên của điện ảnh châu Á, khẳng định mạnh mẽ tiếng nói của điện ảnh châu Á trên bản đồ điện ảnh thế giới. Kể từ Ngọa hổ tàng long – thắng giải Phim nước ngoài hay nhất - người ta đã từng mơ rất lâu về phim châu Á, rằng có khi nào, một phim không nói tiếng Anh có thể thắng giải Phim hay nhất được không?
Trước đó chỉ vài ngày, Ban tổ chức giải thưởng điện ảnh Tinh thần độc lập của Mỹ cũng công bố danh sách chung cuộc. Giải thưởng Tinh thần độc lập của Mỹ (Film Independent Spirit Awards) là một trong những giải tiền Oscar quan trọng hàng năm, bởi những tác phẩm được gọi tên tại các mùa giải này thường là "ngựa chiến" sừng sỏ trên sân khấu trao giải Oscar sau đó. Tại giải thưởng lần thứ 35 năm nay, dường như phương Tây đã dành nhiều sự chú ý hơn đối với những tiếng nói đến từ châu Á bởi không chỉ dựa vào danh sách đề cử được công bố trước đó mà còn ở danh sách thắng giải.
Ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất, Ký sinh trùng đã đánh bại Les Misérables (Pháp), Portrait of a Lady on Fire (Pháp), Retablo (Peru), The Souvenir (Anh) và The Invisible Life of Eurídice Gusmão (Brazil) để "ẵm" tượng vàng. Trước đó Ký sinh trùng đã mang về nhà những tượng vàng danh giá ở các giải thưởng như Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019; thắng 2 giải (đề cử 4 hạng mục) là Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc tại giải BAFTA Anh quốc lần thứ 73.
Thực thà mà nói, chiến thắng của Ký sinh trùng cổ vũ nền điện ảnh của nhiều nước không nói tiếng Anh, cổ vũ điện ảnh châu Á với những cách làm phim vừa truyền thống vừa hiện đại.
Điện ảnh Việt có thể thấy gì từ Ký sinh trùng
Vợ ba (tựa tiếng Anh: The third wife) của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh chính là phim châu Á cùng tham dự giải thưởng điện ảnh Tinh thần độc lập của Mỹ cùng Ký sinh trùng. Vợ ba nhận 3 đề cử bao gồm Quay phim xuất sắc, Dựng phim xuất sắc và Nhân vật đáng xem (hạng mục đặc biệt, Nguyễn Phương Anh được xướng tên) nhưng không thắng giải nào. Tác phẩm khắc họa những hủ tục và thân phận phụ nữ thời phong kiến miền Bắc này từng cũng được các nhà phê bình trong nước tranh luận khá sôi nổi. Tất nhiên, Vợ ba gặp nhiều đối thủ quá nặng ký, nhưng việc Vợ ba góp mặt trong một giải thưởng được coi là “tiền Oscar” đối với điện ảnh Việt mà nói đúng là một bước đi học hỏi được nhiều điều.
Còn tại Oscar, Hai Phượng là phim Việt được cử đi tham dự, tất nhiên đúng như dự đoán, Hai Phượng không thể lọt qua vòng sơ loại vào các danh sách rút gọn. Bởi thực thà mà nói, Hai Phượng dù có doanh thu 200 tỷ đồng ở Việt Nam cũng không phải là phim có nội dung cũng như cách tiếp cận làm phim mới mẻ gì đối với điện ảnh thế giới.
Người ta đã từng hỏi, Ký sinh trùng hay đến mức thế hay sao, để có thể trở thành một phim không nói tiếng Anh thắng giải quan trọng nhất? Thực tế là ai đã xem Ký sinh trùng đều nói rằng: Hay và trên cả hay! Phim khó có thể xếp vào một thể loại nào cụ thể, nó biến hóa và định nghĩa lại điện ảnh theo kiểu mới. Parasite rõ ràng nói lên một cách thuyết phục sự phân chia đẳng cấp giàu nghèo và khoảng cách ngày càng lớn giữa họ thông qua cách kể chuyện điện ảnh bậc thầy của Bong Joon Ho sau hơn 20 năm làm nghề. Thông điệp mạnh mẽ, cách kể chuyện hấp dẫn, kịch bản vặn xoắn, bất ngờ không báo trước và cú bùng nổ cuối phim khiến bộ phim chinh phục hầu hết khán giả.
Bộ phim không có anh hùng cũng không có nhân vật phản diện mà nói lên sự phức tạp của tâm lý con người trong xã hội hiện đại. Ai cũng có lý do cho cách họ hành xử và hành động. Cái ác đôi khi trở nên đáng sợ vì những lý do như vậy. Phim không có bài học cụ thể, cũng không đưa ra những triết lý to lớn, phim về đề tài xã hội nhưng vừa bi vừa hài, thông điệp vừa trừu tượng nhưng câu chuyện không khó hiểu. Ký sinh trùng vì thế mà thành mới mẻ, cách tiếp cận nội dung đối với người xem cũng rất… mở.
Chúng ta từng đặt dấu hỏi rằng phim Việt không nói tiếng Anh liệu có cơ hội đi ra giải thưởng thế giới? Ký sinh trùng thực tế không nói tiếng Anh. Chúng ta cũng từng hỏi, thiếu thiết bị hiện đại liệu phim trong nước có bắt kịp cách làm phim quốc tế, Ký sinh trùng bản chất không lệ thuộc công nghệ làm phim, quan trọng nhất là cách tiếp cận nội dung của đoàn phim. Còn quá sớm để nói về phim Việt và phim châu Á những năm tới, nhưng Ký sinh trùng đã vẽ ra rất nhiều hướng cho giấc mơ phim châu Á những năm sau. Và biết đâu, trong giấc mơ ấy, có cả phim Việt.