Giá xăng ngày 3/4 có thể tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều ngày 3/4 được dự báo tăng lần thứ ba liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng khoảng 370-480 đồng/lít, còn giá dầu diesel tăng ít hơn.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận một tuần tăng mạnh với giá dầu Brent tăng 1,9% lên mức 73,63 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,6% lên mức 69,36 USD/thùng.

Sang tuần này, giá dầu thế giới tiếp tục tăng ở phiên giao dịch đầu tiên (ngày 31/3). Trong phiên này, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đều tăng khoảng 2%, lên mức cao nhất trong 5 tuần.

Giá dầu tăng do lo ngại nguồn cung có thể giảm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan đối với Nga và tấn công Iran.

Ở phiên giao dịch 1/4, giá dầu thế giới giảm nhẹ khi các nhà giao dịch chờ đợi mức thuế quan trả đũa mà ông Donald Trump dự kiến công bố, bởi điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này là những lo ngại về nguồn cung sau lời đe dọa áp thuế thứ cấp đối với dầu của Nga và tấn công Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đầu phiên giao dịch hôm nay 2/4, giá dầu thế giới có xu hướng đi xuống. Theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 74,44 USD/thùng, giảm 0,07%. Còn giá dầu WTI ở mức 71,19 USD/thùng, giảm 0,01% so với phiên liền trước.

Còn tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua tăng nhẹ so với kỳ trước. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 25/3, giá xăng RON 92 đứng ở mức 83,69 USD/thùng, tăng 1,78 USD; giá xăng RON 95 tăng 2,42 USD, đứng ở mức 85,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng nhẹ 1,92 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 27/3), ở mức 87,87 USD/thùng.

Do đó, dự báo trong kỳ điều hành chiều 3/4, giá xăng trong nước có thể tăng khoảng 370-480 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có thể tăng khoảng 270 đồng/lít. Trong trường hợp cơ quan điều hành chi Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn. Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước sẽ có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 13 phiên điều chỉnh, trong đó có 5 phiên giảm, 7 phiên tăng và một phiên tăng giảm trái chiều.

Tại kỳ điều hành gần nhất chiều 27/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng phổ biến tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ. Xăng RON 95 có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, tịnh tiến đến mốc 21.000 đồng/lít, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm.

Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 337 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 20.032 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng 337 đồng, giá bán mới là 20.424 đồng/lít, cao hơn xăng RON 92 gần 400 đồng/lít.

Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng giảm trái chiều, với dầu diesel tăng 324 đồng, giá bán mới không cao hơn 18.217 đồng/lít; dầu hỏa tăng 406 đồng, giá bán mới là 18.524 đồng/lít; Riêng dầu mazut giảm 53 đồng, giá bán mới không cao hơn 16.902 đồng/kg.

Cũng tại kỳ điều hành chiều 27/3, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin được Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) công bố mới đây, tính đến hết năm 2024, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư 6.067,2 tỷ đồng.

Số dư này hiện được giữ tại 30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Số dư chưa bao gồm số dư Quỹ bình ổn xăng dầu của các thương nhân không còn là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, số dư lớn nhất nằm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 3.080 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM là 328,3 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) 138,4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội 299,8 tỷ đồng; CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp 460,5 tỷ đồng…

Mặt khác, số lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến cuối năm 2024 là 3,17 tỷ đồng.

Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan quản lý, điều hành giá đã dừng trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. So với cuối 2023, số dư quỹ giảm gần 600 tỷ đồng.

Nguồn hình thành Quỹ bình ổn xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định.

Việc Bộ Công Thương công khai số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83 ngày 3/9/2014 và Nghị định 95 sửa đổi một số điều của Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-ngay-34-co-the-tang-phien-thu-3-lien-tiep-39954.html
Zalo