Giá xăng dầu trong nước hôm nay có thể quay đầu giảm

Tại kỳ điều hành chiều nay, giá xăng dầu trong nước được dự báo điều chỉnh giảm sau khi tăng vào tuần trước.

Dựa vào diễn biến của giá thế giới, một số ý kiến nhận định, giá xăng trong nước có thể giảm từ 100 - 350 đồng/lít, giá dầu diesel có thể giảm khoảng 350 - 400 đồng/lít. Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước chiều nay sẽ đi xuống sau khi được điều chỉnh tăng vào tuần trước.

Giá xăng trong nước chiều nay có thể giảm nhẹ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Giá xăng trong nước chiều nay có thể giảm nhẹ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 5/12, giá xăng dầu có thể biến động từ 0,1 - 1,9% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm về mức 19.780 đồng/lít, xăng RON95 có thể giảm về mức 20.480 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu có thể tăng giảm trái chiều khi dầu mazut dự báo tăng nhẹ 0,1% lên mức 16.137 đồng/kg, còn giá dầu diesel có thể giảm 1,9% về mức 18.405 đồng/lít, giá dầu hỏa có thể giảm khoảng 1,8% về mức 18.802 đồng/lít.

VPI cũng cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ở kỳ điều hành ngày 28/11, giá xăng E5 RON92 tăng 497 đồng/lít, không cao hơn 19.840 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 329 đồng/lít, không cao hơn 20.857 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng 268 đồng/lít, không cao hơn 18.777 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 221 đồng/lít, không cao hơn 19.142 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 111 đồng/kg, lên 16.125 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, lúc 6h sáng nay 5/12, giá dầu Brent giảm 1,31 USD, tương đương 1,78%, xuống mức 72,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,4 USD, tương đương 2%, xuống mức 68,54 USD/thùng.

Các nhà phân tích cho biết thị trường đang trong tình trạng lo lắng chờ đợi khi các nhà đầu tư tập trung vào cuộc họp của OPEC+ diễn ra hôm nay. Các nguồn tin trong ngành cho biết OPEC+ có khả năng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến hết quý I/2025.

Theo nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu Matt Smith của Kpler tại châu Mỹ, mặc dù dự kiến sẽ có sự chậm trễ trong việc tháo gỡ các đợt cắt giảm sản lượng nhưng những ý kiến trong cuộc họp của OPEC+ sẽ có tác động lớn nhất.

OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung trong suốt năm với lý do nguồn cầu yếu từ Trung Quốc. Nhóm này đã từng lên kế hoạch tăng dần sản lượng vào những tháng cuối cùng của năm nay nhưng cầu yếu trong bối cảnh cung tăng từ các nguồn ngoài OPEC+ khiến kế hoạch này buộc phải tạm hoãn.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-xang-dau-trong-nuoc-hom-nay-co-the-quay-dau-giam-ar911489.html
Zalo