Giá xăng dầu hôm nay (6-4): Tuần 'lao dốc' sốc
Giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần giảm sốc hơn 10%, chấm dứt chuỗi tăng 3 tuần. Giá xăng dầu trong nước đã lập hat-trick tăng.
Giá dầu thế giới
Tuần này, giá dầu “trượt dốc không phanh” xấp xỉ 8 USD do tác động kép của thuế nhập khẩu mạnh tay của Mỹ và động thái tăng nguồn cung bất ngờ của OPEC+.
Lo ngại nguồn cung có thể giảm nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan đối với Nga và tấn công Iran đã hỗ trợ giá dầu tăng khoảng 2%, lên mức cao nhất trong 5 tuần, tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần.

Giá dầu giảm hơn 10% trong tuần này. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu bất ngờ quay đầu giảm nhẹ 28 cent tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần khi các nhà giao dịch chờ đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan trả đũa, bởi điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Giá dầu đã duy trì đà giảm trong suốt cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, công bố mức thuế đối với các đối tác thương mại gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá đã lấy lại đà tăng tối đa 51 cent trước khi kết thúc phiên giao dịch thứ 3 của tuần.
Theo công bố của người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia khác, trong đó có cả những đối tác thương mại lớn nhất của Washington. Đáng chú ý là Trung Quốc bị đánh thuế thêm 34%, ngoài mức thuế 20% đã áp dụng trước đó. Các đồng minh thân cận của Mỹ như Liên minh châu Âu cũng phải đối mặt với mức thuế 20%. Theo kế hoạch, mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4, mức thuế cao hơn cho khoảng 60 quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9-4.
Thị trường dầu chỉ thực sự chao đảo bắt đầu từ phiên giao dịch thứ 4 của tuần khi OPEC+ bất ngờ đồng ý tăng sản lượng trong bối cảnh Mỹ tăng mức thuế quan. Trong phiên này, giá dầu giảm hơn 6%, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022.
Theo Oilprice, 8 thành viên của OPEC+ bất ngờ đồng ý đẩy nhanh việc gỡ bỏ lệnh cắt giảm sản lượng bằng cách tăng sản lượng trong tháng 5 thêm 411.000 thùng/ngày, tương đương với mức tăng dự kiến của 3 tháng.
Tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh khoảng 6,2 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 300.000 thùng, trong khi tồn kho xăng giảm 1,6 triệu thùng cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu giảm mạnh.

Giá dầu đã chấm dứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp. Ảnh minh họa: Vanguardngr
Tuyên bố của Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10-4 đã làm leo thang cuộc chiến thương mại, đe dọa suy thoái kinh tế. Thông tin này đã đẩy giá dầu giảm sâu thêm khoảng 7% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Giá dầu Brent đóng cửa ở mức 65,58 USD/thùng, giảm 8,05 USD, tương đương 10,9% - mức giảm hằng tuần lớn nhất tính theo phần trăm trong một năm rưỡi; dầu WTI chốt tuần ở mức 61,99 USD/thùng, giảm 7,37 USD, tương đương 10,6% - mức giảm sâu nhất tính theo phần trăm trong 2 năm.
Như vậy là với mức giảm hơn 10%, giá dầu đã xác lập tuần giảm mạnh đầu tiên sau cú hat-trick tăng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.373 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 20.919 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.478 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.735 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 17.026 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 3-4. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng và những phiên giao dịch đầu tuần tăng nên giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt tăng, ghi nhận lần tăng thứ 3 liên tiếp. Giá xăng E5 RON 92 tăng 341 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 495 đồng/lít, dầu hỏa tăng 211 đồng/lít, dầu diesel tăng 261 đồng/lít, dầu mazut tăng 124 đồng/kg.