Gia Viễn trên hành trình trở thành đô thị loại IV

Huyện Gia Viễn tọa lạc tại cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Ninh Bình, với dân số trên 138.000 người và diện tích tự nhiên 175,5 km2 . Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng, Nhân dân luôn cần cù, nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Từ một huyện thuần nông chịu nhiều thiên tai bão lũ, Gia Viễn đã từng bước tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế vùng, đóng vai trò động lực trong sự phát triển chung của tỉnh.

Diện mạo đô thị thị trấn Thịnh Vượng (Gia Viễn). Ảnh: Trường Giang

Diện mạo đô thị thị trấn Thịnh Vượng (Gia Viễn). Ảnh: Trường Giang

Từ vùng phân lũ đến trung tâm kinh tế vùng

Gia Viễn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch và dịch vụ. Vị trí cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, tiếp giáp các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, đồng thời nằm trên trục giao thương quan trọng khu vực đồng bằng Sông Hồng, giúp huyện mở rộng tiềm năng phát triển công nghiệp và giao lưu kinh tế.

Nhờ tận dụng hiệu quả các lợi thế này, Gia Viễn đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng chiêm trũng được quy hoạch và thiết kế làm vùng phân lũ, chậm lũ sông Hoàng Long vốn đầy khó khăn thành huyện phát triển năng động của tỉnh.

Kinh tế tăng trưởng bền vững với mức trung bình trên 25%/năm; quy mô kinh tế đạt trên 40.000 tỷ đồng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ (chiếm 97%). Trong phát triển công nghiệp, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư hiệu quả.

Hiện nay, Gia Viễn là trung tâm công nghiệp của tỉnh với 1 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 3 cụm công nghiệp (Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân), thu hút gần 60 doanh nghiệp và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Song song, ngành du lịch-dịch vụ cũng có bước tiến mạnh mẽ, với các điểm đến nổi tiếng như Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch suối khoáng Kênh Gà cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử khác. Lượng khách du lịch năm 2024 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 5,3% so với năm 2023, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn diện.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, góp phần hiện đại hóa diện mạo nông thôn. Năm 2020, Gia Viễn đạt chuẩn NTM, đến nay có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, và 101 thôn, xóm đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Định hướng phát triển đô thị hóa

Nghị quyết của Huyện ủy Gia Viễn đã đề ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng rất khả thi: trở thành thị xã vào năm 2030. Để hiện thực hóa điều này, huyện đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị xanh. Hướng tới năm 2030, Gia Viễn đặt mục tiêu trở thành thị xã, đô thị loại IV. Đây là chiến lược phát triển toàn diện, gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại và phát triển hạ tầng hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết số 1318/NQUBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Gia Viễn đang tập trung tái cơ cấu hành chính, sắp xếp các đơn vị xã, thị trấn để mở rộng không gian và tăng dư địa phát triển. Sau sắp xếp, huyện có 18 đơn vị hành chính, gồm 17 xã và 1 thị trấn. Đặc biệt, thị trấn Thịnh Vượng và xã Tiến Thắng-hai đơn vị hành chính mới sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025, mở ra trang mới trong lộ trình phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam nhấn mạnh: “Huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu và phát triển đô thị hóa.”

Khát vọng vươn mình

Theo kế hoạch, thị trấn Thịnh Vượng và xã Tiến Thắng hình thành sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025. Trong những ngày này, người dân các đơn vị thực hiện sắp xếp nói chung và Nhân dân thị trấn Thịnh Vượng nói riêng náo nức hơn bao giờ hết, vì ngoài việc chào mừng Lễ công bố thành lập đơn vị hành chính mới, công nhận đô thị loại V, còn là những khát khao, mong đợi về một đô thị đáng sống trong tương lai.

Bà Đinh Thị Nhi, thị trấn Thịnh Vượng phấn khởi cho biết: Tôi rất vui khi thị trấn Thịnh Vượng chính thức đi vào hoạt động. Khi trở thành đô thị loại V, người dân hi vọng chính quyền địa phương sẽ có những thay đổi tích cực hơn để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Với sự đồng thuận, quyết tâm của cấp ủy đảng, Chính quyền và Nhân dân, Gia Viễn hôm nay đang tiếp nối truyền thống Anh hùng của quê hương, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Những thành tựu và định hướng phát triển mạnh mẽ không chỉ giúp Gia Viễn vững bước trên hành trình đô thị hóa, mà còn góp phần thúc đẩy Ninh Bình trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-du lịch, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.

Gia Viễn từ vùng đất chiêm trũng đầy gian nan, đang từng bước lột xác để trở thành một đô thị trẻ năng động. Những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây đã khẳng định rằng, dù xuất phát điểm thấp, với ý chí và quyết tâm, Gia Viễn hoàn toàn có thể hiện thực hóa những giấc mơ lớn.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-tren-hanh-trinh-tro-thanh-do-thi-loai-iv-823074.htm
Zalo