Giá vàng trượt dốc xuống dưới 3.000 USD/oz, SPDR Gold Trust bán 6 tấn vàng
'Vàng giảm giá vì nhà đầu tư cần tiền mặt và muốn nắm giữ các tài sản an toàn khác như đồng franc Thụy Sỹ và yên Nhật giữa bối cảnh thị trường biến động mạnh'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/4), tuột khỏi mốc tâm lý 3.000 USD/oz, do đồng USD hồi phục và áp lực bán để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nhà đầu tư. Sáng nay (8/4), giá vàng tăng trở lại nhưng chưa khôi phục được mốc chủ chốt này.
Lúc gần 8h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 8,5 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,3%, giao dịch ở mức 2.991,7 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 93,6 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, website của Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 25.570 đồng (mua vào) và 25.960 đồng (bán ra).
Đóng cửa phiên đêm qua tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 55,6 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, tương đương giảm hơn 1,8%, còn 2.983,2 USD/oz. Giá vàng giao sau trên sàn COMEX giảm 2%, đóng cửa ở mức 2.973,6 USD/oz.
“Vàng giảm giá vì nhà đầu tư cần tiền mặt và muốn nắm giữ các tài sản an toàn khác như đồng franc Thụy Sỹ và yên Nhật giữa bối cảnh thị trường biến động mạnh. Những yếu tố này đặt ra nguy cơ giá vàng điều chỉnh sâu hơn”, nhà phân tích cấp cao Nikos Tzabouras của trang Tradu.com nhận định.
Ngoài ra, vàng còn đương đầu áp lực giảm giá khi đồng USD có phiên phục hồi thứ hai liên tiếp sau khi rớt xuống đáy 6 tháng vào tuần trước. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Hai ở mức 103,26 điểm, từ mức 102,89 điểm của phiên ngày thứ Sáu. Hôm thứ Năm, chỉ số này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024.
Do vàng được định giá bằng USD, nên việc USD tăng giá đã gây áp lực giảm lên giá vàng.
“Thị trường vàng đang đương đầu với sức ép lớn vì mối lo thanh khoản và áp lực đóng tiền ký quỹ của các nhà đầu tư” cho danh mục cổ phiếu - chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận xét với hãng tin Reuters.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bán tháo trong những phiên gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 công bố kế hoạch áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phiên ngày thứ Hai, chứng khoán châu Á có phiên giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, chứng khoán châu Âu giảm 4,5%, và chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên biến động mạnh nhất trong lịch sử.
Cùng ngày, ông Trump cảnh báo có thể áp thêm thuế quan 50% lên hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không dỡ kế hoạch áp thuế quan trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Dù vàng đương đầu áp lực giảm lớn, giới phân tích nói chung vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng của giá vàng trong dài hạn. Một cơ sở cho kỳ vọng tăng giá của vàng là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải cắt giảm lãi suất liên tục để ứng phó với rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ gia tăng do kế hoạch thuế quan của ông Trump.
Dữ liệu từ thị trường lãi suất tương lai cho thấy bình quân các nhà giao dịch đang đặt cược rằng từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 1,2 điểm phần trăm - tương đương 4-5 lần giảm lãi suất với mức giảm mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, theo Reuters. Khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 5 đang ở mức 37%, trong khi khả năng giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6 gần như chắc chắn.
Ở mức hiện tại, giá vàng đã giảm gần 180 USD/oz so với kỷ lục mọi thời đại 3.167,57 USD/oz thiết lập vào hôm thứ Năm tuần trước, tương đương giảm gần 5,6%.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 6 tấn vàng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giảm khối lượng nắm giữ còn 926,8 tấn vàng - theo dữ liệu từ website của quỹ. Trong tuần trước, quỹ này chỉ mua ròng 0,9 tấn vàng, sau khi mua ròng hơn 37 tấn vàng trong 3 tuần trước đó.