Giá vàng thế giới tăng gần 3% trước thềm lễ Phục sinh
Thị trường vàng thế giới đã chứng kiến một tuần sôi động, khi giá vàng liên tục thiết lập các mức cao kỷ lục trước khi chững lại vào phiên giao dịch 17/4.

Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Yangon, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù chịu áp lực chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài từ cuối tuần này, giá vàng vẫn duy trì trên ngưỡng 3.300 USD/ounce nhờ đồng USD yếu và căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chốt phiên ngày 17/4, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,5% xuống còn 3.326,51 USD/ounce, sau khi chạm mức kỷ lục mới là 3.357,40 USD/ounce vào đầu phiên này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng hạ 0,2% xuống 3.339,90 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng gần 3%.
Theo ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập, đợt tăng mạnh của giá vàng trong tuần này khiến thị trường có thể bước vào một giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, nhất là khi kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến.
Giá vàng đã tăng vọt 3,6% trong phiên 16/4, lên mức 3.332,89 USD/ounce, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu mở rộng điều tra thuế quan đối với các mặt hàng khoáng sản quan trọng nhập khẩu. Những lo ngại gia tăng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy yếu của đồng USD tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua vàng như tài sản trú ẩn an toàn.
Theo một sắc lệnh hành pháp được công bố ngày 15/4, Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành điều tra nhằm xác định liệu việc nhập khẩu các khoáng sản quan trọng đã qua chế biến, bao gồm urani, có gây đe dọa tới an ninh quốc gia hay không.
Sắc lệnh được Nhà Trắng công bố ngày 15/4, trong đó nêu rõ: "Trước những rủi ro và thực tế nêu trên, cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, nhằm xác định liệu việc nhập khẩu các khoáng sản quan trọng đã qua chế biến và những sản phẩm phái sinh của chúng có đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia hay không".
Văn bản cũng cho biết sẽ thực hiện phân tích các tác động bóp méo của những chiến lược và thủ đoạn kinh tế, định giá và thao túng thị trường mang tính "cướp đoạt" mà các nước xuất khẩu khoáng sản vào Mỹ bị cáo buộc đang sử dụng. Để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia và tăng cường sản xuất các khoáng sản này trong nước, Mỹ có thể áp dụng những biện pháp thuế quan.
Theo chuyên gia Lukman Otunuga của công ty giao dịch ngoại hối FXTM, việc giá vàng vượt ngưỡng 3.300 USD/ounce đánh dấu bước chuyển mang tính tâm lý quan trọng, nhưng thị trường vẫn có nguy cơ điều chỉnh nếu có tín hiệu tích cực từ căng thẳng thương mại.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng đã tăng gần 700 USD/ounce, tương đương hơn 23%, nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, cùng lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương và bất ổn thương mại kéo dài.
Ngân hàng Goldman Sachs vẫn giữ quan điểm lạc quan về kênh đầu tư vào vàng, dự báo giá vàng thế giới có thể lên tới 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay.
Trước đó, trong phiên 14/4, giá vàng từng lên tới mức 3.245,42 USD/ounce nhưng sau đó quay đầu giảm do tâm lý ưa chuộng tài sản rủi ro của các nhà đầu tư gia tăng. Thông tin Nhà Trắng miễn trừ thuế đối với một số sản phẩm điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm giảm bớt căng thẳng thị trường và khiến giá vàng điều chỉnh nhẹ.
Tuy nhiên, đồng USD vẫn ở gần mức thấp nhất trong ba năm và lợi suất trái phiếu giảm tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng của vàng. Theo các chuyên gia, những yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cho thấy đà tăng của giá vàng có thể còn kéo dài.
Các thị trường tài chính đóng cửa trong ngày 18/4 do nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).