Giá vàng tăng dồn dập, PNJ vẫn nhiều nỗi lo
Tưởng chừng giá vàng tăng sẽ kéo theo đà tăng lợi nhuận và thị giá cổ phiếu của PNJ - doanh nghiệp vàng bạc duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng.
Áp lực về nguồn nguyên liệu
Trong vòng hơn 1 năm qua, kể từ tháng 11/2023, giá vàng tăng nhanh dồn dập, liên tục phá các mốc giá lịch sử và lần đầu tiên chạm mốc 3 chữ số (xác lập kỷ lục hơn 100 triệu đồng/lượng vào hôm 19/3).
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp niêm yết duy nhất trong ngành kim hoàn, nổi bật với vai trò là nhà sản xuất và bán lẻ trang sức lớn nhất trong nước. Dù vậy, giá vàng tăng liên tục trong năm 2024 không đồng thuận với sự dễ dàng trong sản xuất - kinh doanh của PNJ.
Lãnh đạo PNJ từng chia sẻ, năm 2024 là năm đầy khó khăn với Công ty, thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn Covid-19 do PNJ chịu sức ép từ cả phía cung lẫn cầu.
Dù vậy, PNJ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, với doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.823 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 7,2% - mức tăng trưởng không cao, song đây là khoản lợi nhuận cao lịch sử của PNJ từ trước đến nay.
Hoạt động của PNJ đang phụ thuộc lớn vào vàng, từ kinh doanh vàng miếng đến sản xuất trang sức. Nguyên liệu đầu vào của PNJ chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu, do vậy, nguồn cung thiếu hụt có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sản xuất và kinh doanh, từ đó thu hẹp lợi nhuận của PNJ.
Năm 2025, doanh thu vàng miếng dự kiến vẫn giảm do tình trạng thiếu hụt vàng tiếp diễn. Tuy nhiên, PNJ cho biết, doanh thu bán lẻ sẽ tăng trưởng tích cực. Doanh số bán hàng vào Ngày Thần Tài năm 2025 đã cao hơn năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn năm 2024 do tình trạng thiếu vàng. Doanh số bán hàng vào ngày Valentine đạt mức kỷ lục, vượt 15-20% so với trung bình các năm trước.
PNJ có kế hoạch mở rộng mạng lưới với khoảng 12-25 cửa hàng mới trong năm 2025, tăng từ 421 cửa hàng PNJ Gold hồi cuối năm 2024. Điều này sẽ giúp PNJ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà bán lẻ trang sức có số lượng cửa hàng nhiều nhất.
Cải thiện mảng cốt lõi song song với tìm hướng đi mới
Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SHS), Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số, với tốc độ đô thị hóa nhanh và nhóm dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu dân số trẻ vẫn duy trì ở mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực. Đây là lợi thế lớn đối với ngành bán lẻ, vì tầng lớp dân số trẻ thường có xu hướng tiêu dùng hiện đại, chi tiêu nhiều cho bản thân và có nhu cầu vàng và trang sức cao cho hoạt động cưới hỏi, chưng diện…
Mặt khác, Việt Nam đang chứng kiến sự hình thành và mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều đặn, kỳ vọng đạt xấp xỉ 5.000 USD/người trong năm 2025. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, người dân có khả năng chi tiêu cao hơn cho hàng hóa không thiết yếu, bao gồm thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm.
Mục tiêu của Chính phủ là tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 tăng trên 10% có thể hỗ trợ nhu cầu vàng duy trì ổn định. Ngoài ra, xu hướng toàn cầu như khả năng cắt giảm lãi suất và bất ổn kinh tế, có thể tiếp tục thúc đẩy tích trữ vàng, đặc biệt là khu vực châu Á.
Ở thị trường Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh của PNJ có thể kể tới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Doanh thu của DOJI lớn nhất thị trường trong nước, nhưng do giá vốn quá cao nên lãi “mỏng”. PNJ dù đạt doanh thu đứng thứ 2, nhưng giữ vị trí số 1 trong ngành về lợi nhuận.
Có thể nói, mảng bán lẻ trang sức sẽ là động lực chính cho PNJ trong năm 2025. Trong khi đó, mảng kinh doanh vàng miếng 24k gia tăng, nhưng biên lãi khá mỏng, chỉ khoảng 0,02%, không đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của PNJ.
Việc dịch chuyển xu hướng sang vàng trang sức dự kiến giúp PNJ cải thiện được biên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt vàng nguyên liệu. Trong khi chờ đợi cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu mới, PNJ có thể tái chế trang sức bằng cách nấu chảy các sản phẩm trang sức lỗi thời hoặc các sản phẩm được khách hàng bán lại để giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu hụt vàng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, PNJ cũng hé lộ kế hoạch mở rộng kinh doanh trong các sản phẩm phi trang sức. Trong cuộc họp các chuyên viên phân tích tháng 2/2025, PNJ tiết lộ, Công ty đã ký hợp đồng với các bên liên quan và sẽ công bố tới đại chúng trong quý II/2025.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 24/3/2025, cổ phiếu PNJ ở mức giá 88.500 đồng/cổ phiếu. Theo định giá và khuyến nghị của các công ty chứng khoán, mức giá mục tiêu được đưa ra khá tích cực cho thấy sự kỳ vọng lớn vào mã chứng khoán này. Cụ thể, SHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 119.000 đồng/cổ phiếu, DNSE kỳ vọng mức giá 116.800 đồng/cổ phiếu, còn BVSC đặt mục tiêu 120.500 đồng/cổ phiếu.