Giá vàng miếng và vàng nhẫn có xu hướng ổn định so với chốt phiên hôm qua
Giá vàng trong nước hôm nay (14/5) giao dịch ổn định đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn, trong khi thế giới có xu hướng hồi phục trở lại.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/5, giá vàng miếng tại hầu hết các thương hiệu ổn định, giao dịch ở mức 118,5 – 120,5 triệu đồng/lượng. Riêng Phú Quý đang mua vào thấp hơn 1 triệu đồng so với các thương hiệu khác.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tại các thương hiệu lớn vẫn giữ nguyên mức giá chốt phiên hôm trước, cao nhất là Bảo Tín Minh Châu ở mức 119 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Giá vàng trong nước ổn định.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, lượng khách giao dịch trong hai ngày gần đây tăng vọt, với xu hướng mua vào chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tiếp tục gom vàng như một kênh phòng vệ trước lo ngại lạm phát leo thang và bất ổn địa chính trị.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 lưu ý, người dân chỉ nên giao dịch vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép để tránh rủi ro.
Việc giao dịch vàng miếng ở các thị trường không chính thức, các đơn vị không được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể khiến người dân gặp rủi ro về pháp lý và mua phải vàng không đảm bảo chất lượng.
Theo ông Lệnh, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường. Do đó, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, do giá vàng biến động tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, cần thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng, tránh rủi ro và vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế.
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.244,15 USD (cập nhật lúc 08:00:49 14/05/2025), tăng 0,56% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 18,16 USD/Ounce.
Giá vàng thế giới hồi phục trở lại sau đà lao dốc nhờ hoạt động mua vào của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu đã thúc đẩy giá vàng. Khi USD giảm giá, vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó kích thích nhu cầu mua vào.
Chưa kể, giá dầu thô tương lai tăng mạnh, giao dịch quanh mức 63,5 USD/thùng, phản ánh tâm lý lạc quan về nhu cầu năng lượng toàn cầu. Giá dầu tăng thường được xem là tín hiệu lạm phát tiềm tàng, khiến vàng – công cụ phòng ngừa lạm phát trở nên hấp dẫn hơn.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Bart Melek của TD Securities cho biết, giá vàng đã có sự điều chỉnh lớn vào thứ Hai sau thông tin về một thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng mức thuế hiện tại vẫn gây bất lợi cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa của Swissquote, bất ổn xung quanh thuế quan thương mại vẫn còn trên thị trường. Sau khi tăng mạnh vì tin tức giảm thuế, thị trường chứng khoán đang tạm nghỉ, trong khi đồng USD cũng đang được điều chỉnh.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát mới nhất cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý này.
Theo Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,2% vào tháng trước.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals đánh giá báo cáo này có vẻ có lợi cho thị trường kim loại quý.
Hiện tại, thị trường tài chính đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không mang lãi suất này.
Dù vậy, theo chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, về mặt kỹ thuật, vàng giao ngay có thể kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 3.206 USD/ounce, nếu phá vỡ ngưỡng này, giá có thể rơi xuống mức 3.135 USD/ounce.