Giá vàng hôm nay ngày 25/9: Vàng nhẫn tăng phi mã, lên đỉnh 82,5 triệu đồng/lượng
Trong xu hướng vàng thế giới tăng vọt lên tầm cao mới do bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị, vàng nhẫn trong nước cũng tăng phi mã và liên tục phá đỉnh mới.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng mạnh 1,5 triệu đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 25/9 chưa có sự biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 81,5 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 840.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 81,38 – 82,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh 28,6 USD lên 2.657,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng 5,5 USD lên 2.662,8 USD/ounce.
Vàng tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục mới nhờ sự thúc đẩy bởi các lệnh chào mua trú ẩn an toàn.
Các nhà đầu tư đã đổ xô mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn không chỉ để ứng phó với sự thay đổi chính sách của Fed mà còn với tình hình kinh tế đang xấu đi. Cuộc khảo sát mới nhất của Conference Board cho thấy mức giảm đáng kể 6,9 điểm trong niềm tin của người tiêu dùng, đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất trong ba năm. Cả năm thành phần của chỉ số, bao gồm đánh giá về điều kiện kinh doanh và lao động, giá cổ phiếu, lãi suất, kỳ vọng lạm phát và kế hoạch mua, đều ghi nhận mức giảm.
Bên cạnh đó, kim loại quý còn nhận được một số tin tức lạc quan hơn khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chủ chốt, tỷ lệ sự trữ bắt buộc 0,5% nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản của Trung Quốc. Đây là động tháy nới lỏng lớn nhất của Trung Quốc kể từ đại dịch. Việc nới lỏng của PBOC có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu tốt hơn đối với hàng hóa thô, bao gồm cả kim loại, từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông càng làm tăng thêm sự lo lắng. Cuộc chiến ở Israel đã leo thang đến mức giờ đây bao gồm cả Hezbollah ở Lebanon, cả hai bên đều tích cực tiến hành các cuộc tấn công quân sự, mở rộng phạm vi của cuộc khủng hoảng. Theo đó, các nhà đầu tư đã chuyển sang vàng như một hàng rào truyền thống chống lại sự bất ổn toàn cầu.
Sự kết hợp của các yếu tố kinh tế và địa chính trị này đã củng cố đáng kể sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Kết quả là, kim loại quý này đã tăng vọt lên vùng đất chưa từng được khám phá trước đây, khi các nhà đầu tư tiếp tục sử dụng vàng.
Mike McGlone, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc về diễn biến của các thị trường vàng. McGlone giải thích rằng đợt tăng giá của vàng bắt nguồn từ vai trò lịch sử của nó như một nơi trú ẩn an toàn trong những giai đoạn biến động.
"Vàng đang trong thị trường tăng giá. Đã đến lúc phải giảm giá, nhưng về cơ bản, mức 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian", ông McGlone nhấn mạnh.
Với mức giá khoảng 2.662,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 80,23 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 3,27 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 100,28 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 25/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.134 đồng/USD, giảm 12 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.927 – 25.341 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.290 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.350 – 24.720 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 24.990 đồng/USD và bán ra là 25.080 đồng/USD.