Giá vàng hôm nay 15/7: Áp lực chốt lời
Giá vàng hôm nay 15/7 giảm 400 nghìn đồng/lượng đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn SJC. Trong khi đó, thị trường quốc tế cũng gặp áp lực chốt lời ngắn hạn.
Giá vàng hôm nay 15/7
Giá vàng hôm nay 15/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu giờ giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với chiều qua. Giá vàng miếng ở mức 119,1 – 121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng giảm 40.000 đồng/chỉ, hiện ở mức 11,46 – 11,71 triệu đồng/chỉ (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 15/7 miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 – 14 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảng giá vàng hôm nay 15/7 tại một số công ty (lúc 8h40)
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC

Bảng giá vàng nhẫn hôm nay tại các doanh nghiệp, địa phương

Nguồn: giavanghomnay.pro
Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng duy trì xu hướng dao động trong biên độ hẹp quanh mức 3.300 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 14/7, giữa bối cảnh thị trường toàn cầu thiếu vắng động lực rõ ràng và tâm lý phòng thủ vẫn chiếm ưu thế. Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như căng thẳng thương mại đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,35% và đóng cửa ở mức 3.343,75 USD/ounce. Động thái bán ra chủ yếu xuất phát từ lực chốt lời của các nhà đầu tư ngắn hạn, nhưng lực bán nhìn chung vẫn bị hạn chế bởi tâm lý né tránh rủi ro đang lan rộng trong thị trường tài chính.

Tâm lý thận trọng được củng cố sau khi chính quyền Trump tiếp tục phát đi thông điệp cứng rắn về chính sách thuế quan. Thông báo áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là đồng – với mức thuế lên tới 50% – đã khiến nhà đầu tư cảnh giác cao độ về khả năng các mặt hàng kim loại khác cũng có thể bị ảnh hưởng trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã gửi thông báo đến các đối tác thương mại, đe dọa áp mức thuế nhập khẩu chủ yếu trong khoảng 20% đến 30%. Liên minh châu Âu được thông báo vào cuối tuần rằng sẽ đối mặt với mức thuế 30%. Mexico và Canada được cho là sẽ phải chịu mức thuế lần lượt là 30% và 35%.
Trong khi đó, các thị trường bên ngoài ghi nhận đồng USD tiếp tục mạnh lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 4,45%, trong khi giá dầu thô Nymex giảm xuống quanh 67,31 USD/thùng – dấu hiệu cho thấy giới đầu tư vẫn giữ thế phòng thủ trước các bất ổn địa chính trị và thương mại.
Không có dữ liệu kinh tế lớn nào được công bố trong ngày thứ Hai, nhưng nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 dự kiến phát hành vào thứ Ba. Giới phân tích kỳ vọng CPI sẽ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,4% được ghi nhận trong tháng 5 – một tín hiệu quan trọng đối với chính sách lãi suất của Fed trong những tháng tới.
Theo ông Joe Cavatoni – Chiến lược gia trưởng khu vực Bắc Mỹ của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), thị trường vàng hiện vẫn đang thiếu những tín hiệu rõ ràng để xác lập xu hướng mới. “Tôi nghĩ thị trường đang cố gắng đánh giá một loạt thông tin dồn dập. Không dễ để xác định chính xác các đàm phán thương mại – hay thậm chí là việc không có đàm phán – sẽ tác động ra sao,” ông nói.
“Về mặt chiến thuật, vàng biến động theo động lực và chi phí cơ hội,” ông giải thích. “Nếu chúng ta thấy Fed hoãn tăng lãi suất về cuối năm, thì chi phí cơ hội đó sẽ có lợi cho vàng trong ngắn hạn. Nhưng người chơi chiến thuật sẽ hành động nhanh để xem liệu động lực có đủ để kéo giá vàng đi xa hơn hay không”.
“Chúng tôi cần thấy một số thay đổi cơ bản thực sự để vàng có thể thoát khỏi vùng dao động hiện tại,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng mức tăng gần 26% của giá vàng từ đầu năm tới nay đã vượt xa kỳ vọng trung bình hàng năm khoảng 8%. “Đúng là có những lý do xác đáng để vàng tăng, nhưng hiện tại chúng ta cần những tín hiệu vĩ mô mạnh mẽ hơn – về chính sách tiền tệ, đồng USD và nền kinh tế toàn cầu – trước khi có thể nói đến một xu hướng bền vững.”
Về phía nguồn cung, dữ liệu mới nhất cho thấy mức sản lượng khai thác toàn cầu vẫn tăng trưởng ổn định từ 1% đến 2,5% mỗi năm. Các công ty khai khoáng lớn đang tận dụng tốt mức giá cao để duy trì hiệu suất vượt trên chi phí khai thác bền vững. Trong khi đó, WGC đang theo dõi sát khu vực khai thác quy mô nhỏ và thủ công – vốn chiếm khoảng 20% nguồn cung – do những lo ngại về tính ổn định và tiêu chuẩn thị trường.
Một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh hiện tại là lực cầu từ phía các ngân hàng trung ương. Theo khảo sát mới nhất của WGC với 73 ngân hàng trung ương, có tới 95% xác nhận vai trò quan trọng của vàng trong cơ cấu dự trữ, và một nửa trong số đó có kế hoạch tăng lượng nắm giữ trong 12 tháng tới. Cavatoni nhấn mạnh: “Điều này cho thấy họ đang tìm kiếm sự chắc chắn trong môi trường biến động và sẽ tiếp tục là lực lượng mua vào đáng kể trên thị trường.”
Trong khi chờ đợi báo cáo CPI và các tín hiệu tiếp theo từ Fed, thị trường vàng có thể sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng hiện tại. Với tâm lý thận trọng bao trùm và những bất ổn chưa được hóa giải, vai trò trú ẩn của vàng vẫn được giữ vững, nhưng động lực bứt phá vẫn còn là dấu hỏi.