Giá trị văn hóa trong các sản phẩm OCOP
Sau 6 năm triển khai, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn với XDNTM. Không những vậy, mỗi sản phẩm OCOP gắn với những câu chuyện riêng về văn hóa, góp phần gìn giữ, lan tỏa nét văn hóa truyền thống của các địa phương.
Tính đến nay, Thanh Hóa đã có 606 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược ngày càng khẳng định chất lượng, phong phú, đa dạng... có thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, như: Bánh gai Lâm Thắm, bánh răng bừa, các sản phẩm đúc đồng Trà Đông, nước mắm Ba Làng Tác Huy... mang tính cộng đồng, chứa đựng những nét truyền thống gắn với sinh hoạt của người dân ở mỗi địa phương. Khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã gửi gắm tâm huyết của mình trong mỗi câu chuyện sản phẩm, khéo léo lồng ghép, thể hiện được truyền thống lịch sử, tập quán sinh hoạt của người dân và những giá trị văn hóa của sản phẩm; chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Thực tế cho thấy, ở khu vực miền núi xứ Thanh, Chương trình OCOP đã mang đến “làn gió mới” thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Hầu hết các sản phẩm tham gia đều bám sát nhu cầu của thị trường và tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương; nhiều sản phẩm là đặc sản, đặc trưng của vùng miền đã được quảng bá đến người tiêu dùng, như măng khô Yên Nhân huyện Thường Xuân, nếp Cay Nọi của huyện Mường Lát, thịt trâu gác bếp Thợ Rừng huyện Như Xuân... Chị Lương Thị Nồng, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành, xã Quang Chiểu (Mường Lát), chia sẻ: "Là người con dân tộc Thái, tôi lớn lên với mùi thơm của cơm nếp. Nếp Cay Nọi quê tôi có nguồn gốc từ nước bạn Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát từ những thập niên 80 của thế kỷ trước và được người dân gìn giữ và phát triển trên vùng đất Quang Chiểu như một loại nếp quý, do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng. Cây lúa nếp Cay Nọi có đặc điểm cao hơn 1m, thân cứng, đặc biệt phù hợp với đồng đất bản Pùng - trồng ở nơi khác không hiệu quả bằng; vỏ hạt lúa có màu nâu đỏ, hạt gạo trắng mẩy, khi đồ lên có mùi thơm, dẻo hơn khi ăn nóng”. Với mong muốn lưu giữ và phát triển giống lúa này, HTX đã liên kết với các hộ dân sản xuất gạo Cay Nọi theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP; đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này.
Là địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, cây mắc khẻn và cây dổi đã lớn lên cùng những người Thái, Mường ở xã Yên Thắng (Lang Chánh) từ xa xưa, được người dân đưa về trồng xen canh với các cây trồng khác trong vườn nhà và trở thành gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày. Với mong muốn quảng bá ẩm thực cũng như văn hóa của dân tộc Thái đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Xem đã xây dựng sản phẩm “Muối mắc khẻn Mường Đeng” mang hương vị núi rừng Mường Đeng của đồng bào nơi đây. Với phương pháp sản xuất truyền thống như rang khô trên bếp củi, nghiền bột... cùng các nguyên liệu như hạt mắc khẻn, hạt dổi, muối, ớt... muối mắc khẻn có mùi thơm nồng nàn, cay nhẹ, hơi gây tê đầu lưỡi; không chỉ dùng để chấm các món ăn như xôi nếp nương, thịt trâu gác bếp hay các món hấp luộc... mà nó còn được dùng làm gia vị để tẩm ướp các món ăn để tăng thêm hương vị. Cùng với măng rừng, muối mắc khẻn Mường Đeng đã và đang góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực rừng núi của Lang Chánh.
Để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực lựa chọn, hỗ trợ người dân khai thác, phát triển sản phẩm có thế mạnh, trở thành “sứ giả” góp phần quảng bá văn hóa của từng vùng. Do đó, để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh cần mạnh dạn đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sử dụng bao bì lồng ghép hình ảnh, truyền bá văn hóa địa phương đến với người tiêu dùng. Đồng thời, các địa phương cũng cần tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn; tăng cường hỗ trợ để các chủ thể, các địa phương tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng; giới thiệu, bày bán các sản phẩm tại các điểm tham quan, khu du lịch...