Giá trị của tư liệu trong việc định hình nên diện mạo Thủ đô

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng cuốn sách 'Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)' không chỉ cung cấp thông tin tham khảo quý giá về cấu trúc vật chất của thành phố, về nguồn cảm hứng nghệ thuật cho những thiết kế quy hoạch mang tính bản địa tại Hà Nội, mà còn nói câu chuyện quá trình người Pháp thiết lập đô thị tại Hà Nội và vấn đề quản trị xã hội trong thời đại mới.

Tọa đàm Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay với sự tham gia của nhà báo Trần Trung Chính - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý và nhà phê bình Mai Anh Tuấn đã khẳng định giá trị tư liệu và lưu trữ trong cuốn sách Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) của Tiến sĩ Đào Thị Diến. Đồng thời, tập trung nêu ra vấn đề gìn giữ và hệ thống các dữ liệu lưu trữ như tài liệu tham khảo quý giá cho nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch, xây dựng đến sáng tạo nghệ thuật.

Tọa đàm "Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay" được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 11.10.2024.

Tọa đàm "Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay" được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 11.10.2024.

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) là một tập hợp 40 bài viết hoàn toàn dựa trên tài liệu về Hà Nội của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tác giả Đào Thị Diến đã dựng lại bức tranh về lịch sử Hà Nội thời cận đại bằng tiếng nói của tư liệu, cũng như đem đến một hướng tiếp cận lịch sử về một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của Thủ đô.

Trong đó phản ánh quá trình biến đổi của Hà Nội diễn ra một cách đồng loạt ở tất cả các lĩnh vực, gồm: chính trị; địa giới và tổ chức hành chính; quy hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố; văn hóa – xã hội; giao thông; giáo dục; bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử.

Những tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này có thể giúp các cơ quan chức năng rà soát, thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý đô thị phát triển theo đúng quy hoạch, cũng như đóng góp hiệu quả vào việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của Thủ đô.

Về vấn đề quy hoạch, với việc tận dụng và khai thác triệt để tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, cuốn sách đã tái hiện quá trình chi tiết của việc quy hoạch địa giới hành chính, việc thành lập và đặt tên cho các đường, phố thông qua các nghị định của chính quyền; cuộc đấu tranh quyết liệt của Hội Địa lý Hà Nội và Viện Viễn Đông Bác cổ trong việc bảo vệ cảnh quan hồ Tây qua các kiến nghị gửi lên Hội đồng thành phố;…

Từ những giá trị tư liệu và lưu trữ đó, các diễn giả tại tọa đàm hướng đến những gợi mở xoay quanh một số vấn đề về tư liệu, đặc biệt là các tư liệu về quy hoạch đô thị Hà Nội thời cận đại, từ đó gợi mở một số điều trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội hiện nay.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Nhà báo Trần Trung Chính cho rằng, việc người Pháp chọn vị trí Khu nhượng địa 18ha sát bờ sông Hồng năm 1875 làm bàn đạp, từ đây phát triển thành thành phố, có tầm nhìn dài hạn. Bằng chứng là các trục giao thông lớn bên sông xuất hiện rất sớm, tên hiện nay là: đường Nguyễn Hữu Huân (1890), Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông (1891, 1892), Lò Đúc (1913), Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Nguyễn Khoái... Họ đầu tư làm những con đường đó để chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho “cuộc vượt sông Hồng quy mô lớn”.

Đến 1902 cầu Long Biên hoàn thành (chỉ trong 4 năm), kết nối Hà Nội với: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn,, Hưng Yên, Bắc Ninh... Theo tài liệu và bản đồ cung cấp trong cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến, và các tác giả khác càng có cơ sở khẳng định Hà Nội có xu hướng phát triển tự nhiên/tốt nhất cho mình sang bên kia sông Hồng, phía đông thành phố. Nhưng tiếc là việc kế thừa hướng phát triển có tầm nhìn dài hạn này đã diễn ra khá muộn.

Theo ông Chính, các nghiên cứu, tài liệu lưu trữ quý giá về mọi lĩnh vực của Hà Nội nên được tập trung biên soạn dần hình thành một kho tàng "di sản" như đề xuất của nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn.

Nhà báo Trần Trung Chính - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, chia sẻ tại tọa đàm.

Nhà báo Trần Trung Chính - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, chia sẻ tại tọa đàm.

Tài liệu lưu trữ được xem là nguồn thông tin gốc, là những thực chứng lịch sử đáng tin cậy, vì vậy những tư liệu trong cuốn sách Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) còn có giá trị trong việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật hiện nay, như: văn chương, điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn và trong công việc giáo dục, tuyên truyền, du lịch.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin tham khảo quý giá về cấu trúc vật chất của thành phố, về nguồn cảm hứng nghệ thuật cho những thiết kế quy hoạch mang tính bản địa tại Hà Nội, mà còn nói câu chuyện quá trình người Pháp thiết lập đô thị tại Hà Nội và vấn đề quản trị xã hội trong thời đại mới.

“Các tài liệu lưu trữ về Hà Nội đã làm giúp chúng ta rất nhiều điều nhưng có thể sẽ cần một độ lùi về thời gian để đối sánh và được coi như di sản ký ức và lịch sử của thành phố”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý chia sẻ.

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) của tác giả Đào Thị Diến.

Tài liệu lưu trữ đã giúp cung cấp những cứ liệu xác đáng để chúng ta hôm nay có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội. Từ những “nhân chứng sống” của lịch sử đó, chúng ta cần có những thay đổi cần thiết để công cuộc “đô thị hóa” Hà Nội được hiệu quả, đi theo đúng tiến trình tự nhiên, hòa hợp với văn hóa và đời sống.

Bài: Tùng Lâm - Ảnh: Nhã Nam

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)của tác giả Đào Thị Diến do nhà xuất bản Hà Nội và Nhã Nam xuất bản và được ra mắt cuối tháng 9.2024.

Đây là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Cuốn sách vừa được vinh danh ở hạng mục Tác phẩm của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17 năm 2024.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gia-tri-cua-tu-lieu-trong-viec-dinh-hinh-nen-dien-mao-thu-do-45678.html
Zalo