Giá trị của những ông bầu trong bóng đá Việt Nam: Bầu Đức, người đặt những viên gạch đầu tiên!

Chính vì những 'đầu tiên' này mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam (BĐVN) sẽ luôn nhớ và ghi nhận công lao đóng góp bằng tất cả tấm lòng của Bầu Đức cho BĐVN.

BĐVN chuyển từ bao cấp qua bán chuyên nghiệp từ đầu năm 2000 rồi sau đó chuyển lên chuyên nghiệp. Trong giai đoạn giao thời này, Bầu Đức xuất hiện và bắt đầu tham gia với vai trò nhà tài trợ rồi sau đó là nhà đầu tư, quản lý rồi ông chủ từ năm 2001.

Những “đầu tiên” không bao giờ phai

Cuối năm 2001, Bầu Đức đã gây choáng cả khu vực khi chính thức lên tiếng và có được chữ ký của ngôi sao số 1 Đông Nam Á đương thời là tiền đạo thủ quân đội tuyển Thái Lan: Kiatisak.

Bầu Đức và Giám đốc Học viện HAGL kiêm Giám đốc kỹ thuật CLB HAGL thời 2.0

Bầu Đức và Giám đốc Học viện HAGL kiêm Giám đốc kỹ thuật CLB HAGL thời 2.0

Choáng vì không chỉ bản hợp đồng có giá trị khủng lúc đó, mà quan trọng hơn vì sao Bầu Đức có thể mời được "tượng đài Đông Nam Á" khi đó về thi đấu cho Pleiku, một câu lạc bộ chỉ thi đấu ở giải hạng Nhất của Việt Nam và hơn hết lại là một địa danh Gia Lai – phố núi còn xa lạ với người Việt Nam chứ đừng nói là trong khu vực.

Từ đây, như mọi người đã biết, Bầu Đức chứ không ai khác đã mở ra trào lưu “trải thảm đỏ” mời những cầu thủ xuất sắc với những bản hợp đồng giá trị, đồng thời Bầu Đức cũng là người trả lại giá thật của các cầu thủ Việt Nam sao cho tương xứng với tài năng của họ so với các cầu thủ ngoại.

Cách làm của Bầu Đức đã nhanh chóng giúp CLB Pleiku thăng hạng V-League và với tên gọi mới Hoàng Anh Gia Lai, ông đã đưa HAGL làm nên chiến tích ngoạn mục: CLB đầu tiên trong lịch sử BĐVN vừa lên hạng đã vô địch quốc gia ngay mùa bóng đầu tiên vào năm 2003.

Sau khi thành công vượt bậc với hai năm liên tiếp đứng trên đỉnh vinh quang BĐVN, Bầu Đức nghĩ đến con đường dài lâu, làm bóng đá từ nền tảng cơ bản, và đó là lý do Bầu Đức cho ra đời Học viện bóng đá HAGL JMG Arsenal năm 2007. Giá trị của học viện này không chỉ là nơi phát hiện, đào tạo các tài năng trẻ cho BĐVN mà còn được đào tạo song song học vấn, ít nhất phải tốt nghiệp cấp 3, sau đó là đại học, đặc biệt các cầu thủ sẽ được dạy tiếng Anh để có thể giao tiếp.

Ý tưởng này của Bầu Đức đã mở ra tầm nhìn mới cho BĐVN: tầm quan trọng của bóng đá trẻ và nhất là chú ý đào tạo học vấn, đạo đức, ứng xử văn hóa từ trong đến ngoài sân cỏ. Đây cũng là mô hình chung cho nhiều học viện, nhiều lò đào tạo trẻ khác đã và đang rải đều suốt chiều dài đất nước.

Và năm 2017, khi BĐVN rơi xuống vực sâu của thất vọng và càng rơi sâu hơn nữa khi đội Việt Nam bị loại từ vòng bảng SEA Games 2017, thì Bầu Đức đã mời thậm chí còn chi trả mọi chi phí trong hai năm cho HLV Park Hang-seo qua Việt Nam làm việc. Và chúng ta đã biết, BĐVN đã nhảy vọt và đạt vị thế mới dưới triều đại của HLV Park Hang-seo.

Chỉ tiếc cho Bầu Đức, nếu luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào những năm 2010-2012 thông thoáng hơn, thì Bầu Đức đã là người đầu tiên của BĐVN sở hữu được cổ phiếu của một CLB nước ngoài mà ở đây là 20% giá trị CLB Arsenal.

Thế nhưng, Bầu Đức cũng kịp để lại dấu ấn đẹp khi là nhà làm bóng đá đầu tiên ở Việt Nam đặt bảng quảng cáo quanh sân vận động Arsenal mỗi khi thi đấu Premier League với dòng chữ: Hoàng Anh gia Lai – Việt Nam!

Bầu Đức như thế, hỏi tại sao nhiều người không quý mến, tôn trọng. Và mọi người càng quý mến hơn khi bao năm qua, giữa muôn trùng vây khó khăn, dù mệt mỏi, vất vả ra sao, Bầu Đức cũng không từ bỏ bóng đá, khác rất nhiều so với quá nhiều người chợt đến rồi chợt đi, và ông không bao giờ ngoảnh mặt lại với BĐVN.

Làm lại với bóng đá trẻ

Danh hiệu vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam đã đem lại niềm vui và cùng hy vọng cho Bầu Đức. Ông vui nhưng không muốn nói nhiều về những cầu thủ Châu Ngọc Quang, Trần Trung Kiên, Đinh Thanh Bình, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Lê Phạm Thành Long là 6 cầu thủ từng xuất thân hoặc vẫn đang là cầu thủ của HAGL. Bởi mục tiêu Bầu Đức làm bóng đá, ngoài lý do đầu tiên ông muốn trả ơn Gia Lai, vùng đất mà ông lớn lên và thành danh dù ông sinh ra ở Bình Định, thì cái đích của ông vẫn là bóng đá nước nhà.

Nói như Bầu Đức, BĐVN có bao nhiêu lần có được niềm vui vỡ òa như tại ASEAN Cup 2024, nên với ông, chiến thắng này là công sức của nhiều người nên niềm vui được lan tỏa rộng khắp.

Những cậu bé nhi đồng ngày nào đến với Học viện HAGL JMG Arsenal nay đã là những cầu thủ nổi tiếng và là những cử nhân với tấm bằng Giỏi. Dấu ấn “đầu tiên” trong đào tạo các học viện bóng đá của Bầu Đức

Những cậu bé nhi đồng ngày nào đến với Học viện HAGL JMG Arsenal nay đã là những cầu thủ nổi tiếng và là những cử nhân với tấm bằng Giỏi. Dấu ấn “đầu tiên” trong đào tạo các học viện bóng đá của Bầu Đức

Nhắc đến vinh quang, Bầu Đức cho biết, với ông bây giờ, những vinh quang, danh hiệu của một CLB mà cụ thể là HAGL, làm sao mà ông không mong muốn có thêm, nhưng kể từ bây giờ, ông sẽ làm lại, sẽ tập trung vào học viện, đầu tư đến nơi đến chốn đào tạo trẻ cho HAGL để từ đó có những đóng góp thiết thực hơn cho BĐVN.

Trao đổi với Một Thế Giới, Bầu Đức cho biết khó khăn đã dần lùi lại phía sau, công việc kinh doanh của ông đã đi dần vào ổn định, hy vọng sẽ tốt dần lên và đây là lúc ông quay lại làm bóng đá mà là bóng đá trẻ. Bầu Đức khẳng định không tham gia cuộc “chạy đua” mua sắm cầu thủ, mà dùng kinh phí này đầu tư cho công tác đào tạo trẻ.

Hơn 20 năm trước, Bầu Đức đã chi 15 tỉ đồng để xây dựng Học viện HAGL trên diện tích 5 hecta, thì nay không có lý do gì không tiếp tục duy trì và nâng cấp học viện này để nơi đây cung cấp những cầu thủ trẻ chất lượng cao cho BĐVN. HAGL sẽ tiên phong sử dụng “cây nhà lá vườn”, tin dùng cầu thủ trẻ rất sung sức, từ thể lực, tốc độ, sức mạnh, khát khao chiến thắng vượt trội.

Bầu Đức cho biết ông rất hài lòng và tin tưởng khi giao trọng trách điều hành học viện thời kỳ 2.0 cho ông Vũ Tiến Thành trong vài trò Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc kỹ thuật CLB HAGL. Với Bầu Đức, học viện thời kỳ đầu đã khép lại, giờ đây cần những thay đổi để phù hợp với xu thế mới, xu thế bóng đá là khoa học sao cho phù hợp với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp quốc tế, đặc biệt là cách vận hành của một học viện bóng đá quốc tế thời kỳ mới.

Do đó bước đầu Bầu Đức đã đồng ý đầu tư thêm hai phòng: công nghệ và phân tích thể thao; y học thể thao như là một bệnh viện thu nhỏ. Tương lai, sẽ thực hiện thêm phòng dưỡng khí cao áp để các cầu thủ hồi phục sức khỏe tốt hơn. Xa hơn là hệ thống màn hình led để khi quay flycam lúc tập luyện có thể dừng để chỉ rõ những khiếm khuyết cho cầu thủ chỉnh sửa.

Ông Thành cho rằng trong bóng đá chuyên nghiệp bắt buộc phải đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, y học, dinh dưỡng… Đánh giá năng lực cầu thủ là phải có số liệu, không thể bằng cảm tính. Có dinh dưỡng tốt, hồi phục tốt thì mới tập luyện và thi đấu tốt

Theo ban huấn luyện CLB HAGL, hiện nay đội đang sử dụng phần mềm phân tích và cho ra những con số như trong một trận đấu bao nhiêu lần mất bóng, thu hồi bóng, chạy bao nhiêu kilomet, sút bao nhiêu lần, làm thế nào biến những tình huống cố định thành cơ hội ghi bàn, đồng thời chống các tình huống cố định của đối phương ra sao…

Ông Vũ Tiến Thành khẳng định: “Chúng tôi không có bí quyết gì “cao siêu” trong triết lý vận hành chung của cả hệ thống học viện, CLB HAGL mà đó chỉ là: làm việc rõ ràng, đơn giản mà hợp lý; trung thực, kỷ luật, thưởng - phạt nghiêm minh; biết tin người và dùng người; đặt cái chung lên trên; biết vui đùa đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ; làm việc cùng nhau, cùng khát vọng vươn lên.

Chúng tôi đang làm việc trong cộng đồng bóng đá HAGL, một cộng đồng vì tương lai bóng đá Việt Nam”.

Những chuyển biến này, tất cả đều hướng đến mục tiêu phải đạt được các tiêu chuẩn để Học viện HAGL sẽ được LĐBĐ châu Á (AFC) chứng nhận 3 sao. Một sự chứng nhận không phải để lấy hình thức, mà là sự xác nhận uy tín, chất lượng đào tạo của một học viện bóng đá có truyền thống ở Việt Nam.

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-tri-cua-nhung-ong-bau-trong-bong-da-viet-nam-bau-duc-nguoi-dat-nhung-vien-gach-dau-tien-228159.html
Zalo