Giá trị của liên hoan
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.
Đầu tiên là sự chuẩn bị thiếu chu đáo của ban tổ chức, nhất là khâu kỹ thuật. Trong suốt liên hoan, sự cố kỹ thuật liên tục xảy ra, lúc mất điện, khi mất âm thanh… khiến các nghệ sĩ đang diễn đến cao trào bỗng hụt hẫng. Tình trạng này thường xuyên đến nỗi các đoàn biểu diễn sau phải chuẩn bị phương án ứng phó với sự cố.
Khía cạnh truyền thông của liên hoan cũng không được chú ý, khi biểu diễn ở nơi được xem là vùng đất của cải lương, nhưng nhiều suất diễn chỉ thu hút vài người đến xem. Hỏi ra mới hay là nhiều người hoàn toàn không biết có sự kiện lớn nhất nước về cải lương đang diễn ra ngay quê mình.
Liên hoan năm nay cũng thiếu vắng những hoạt động bên lề như tọa đàm, hội thảo, là dịp để người làm nghề cùng ngồi lại với nhau, trao đổi chuyên môn, chia sẻ về công tác dàn dựng, biểu diễn… Các đơn vị nghệ thuật cứ đến, biểu diễn, rồi đi về; không nhiều người mặn mà ngồi lại xem các vở diễn của đơn vị bạn để học hỏi, giao lưu. Liên hoan vốn mang ý nghĩa ngày hội của những người làm nghề, nhưng nay cứ như một buổi thi diễn. Người đến rồi đi, không khí hội hè, đời sống học thuật cứ thế trôi mất.
Qua liên hoan cũng cho thấy thực tế đời sống cải lương hiện nay có sự chênh lệch khá xa giữa các đơn vị. Những đơn vị như Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), Đoàn Cải lương Long An, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TPHCM)… mang đến liên hoan những tác phẩm được đầu tư công phu, hoành tráng, thiết kế sân khấu, cảnh trí quy mô, phục trang đậm tính nghệ thuật; kịch bản chắc tay, nội dung đột phá đầy sáng tạo… Ngược lại, một số đơn vị tỉnh thành khác lại có mặt ở liên hoan theo tâm thế “cho vui”, xem nhẹ khâu đầu tư, chuẩn bị. Thậm chí, có đơn vị còn đưa cả nghệ sĩ nghiệp dư tham gia khiến chất lượng vở diễn rất thấp.
Nhiều người cũng sẽ nghĩ sân khấu cải lương đang rất sôi động khi có nhiều đoàn tham gia liên hoan với đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu. Thế nhưng, thực tế không hẳn như... liên hoan. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận xét: “Bình thường thì đời sống sân khấu im ắng, đến liên hoan lại xuất hiện quá nhiều đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ tham gia thi diễn. Liên hoan đã không còn là nơi phản ánh bức tranh thực tế đời sống sân khấu nữa…”
Điều này được minh chứng rõ ràng tại liên hoan khi có địa phương vốn có đoàn hát cả năm không hoạt động, nhưng đến liên hoan lại “đột ngột” mang đến 2 vở tham dự. Có tỉnh, các đoàn nghệ thuật vốn đã sáp nhập vào trung tâm văn hóa, đến liên hoan lại “mọc ra thêm” đoàn của các hội chuyên ngành... Điều đáng ngạc nhiên là các đoàn dạng này thường lại rất mạnh, đầu tư chi phí hàng trăm triệu đồng để dựng vở, mời đội ngũ nghệ sĩ từ nhiều nguồn tham gia biểu diễn. Một nghệ sĩ thâm niên lý giải, các đoàn dạng này thường do các đơn vị hay cá nhân đầu tư tham gia liên hoan nhằm giành lấy các giải thưởng, bổ sung huy chương, đáp ứng các điều kiện để được xét tặng danh hiệu. Đây cũng là nguyên nhân nhiều vở được đầu tư dàn dựng tham gia liên hoan xong là cất kho, không sáng đèn biểu diễn phục vụ cho công chúng, không góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa xã hội.
Vậy thì giá trị của liên hoan nằm ở đâu khi không còn là ngày hội của người làm nghề, không còn là nơi thể hiện sự chuyên nghiệp của sân khấu, không phản ánh được chính xác đời sống sân khấu hiện tại? Từ câu chuyện của Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, mong rằng ở các kỳ liên hoan sau, ban tổ chức có những thay đổi để liên hoan thật sự là ngày hội quan trọng của những người làm sân khấu. Là nơi không chỉ để giới thiệu những tác phẩm hay, những sáng tạo mới mà còn là cơ hội để người nghệ sĩ trao đổi về những chính sách, chế độ, định hướng phát triển, công tác đào tạo các tài năng nghệ thuật… từ đó giúp cho đời sống sân khấu khởi sắc, phát triển bền vững hơn.