Giá trị của bài thơ 'Bắt nạt' trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi

Từng tạo nên 'làn sóng' tranh luận vào năm 2021 khi xuất hiện trong sách Ngữ Văn lớp 6 chương trình đổi mới giáo dục, bài thơ 'Bắt nạt' đến nay vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi. Ở một góc nhìn thì tác phẩm cũng đã góp phần tạo nên cuộc đối thoại đa chiều giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Đề tài tranh luận mỗi năm học mới

Bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh xuất hiện trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 27-28, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2021, với nội dung khuyên học sinh đừng bắt nạt người khác. Tác giả đã gửi gắm đến tween rằng thay vì bắt nạt thì hãy nhảy Hip-Hop, ăn mù tạt để thử thách. Bài thơ khép lại bằng lời chia sẻ của tác giả, rằng “không thích bắt nạt” vì “bắt nạt rất hôi!”.

Có nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm rằng bài thơ không phù hợp để xuất hiện trong sách giáo khoa (SGK) vì lời văn lủng củng, nội dung quá trẻ con, thậm chí còn có phần “vô tri”. Những câu từ như “trêu mù tạt”, “nhảy híp-hóp cho hay”,... bị nhận xét rằng không có giá trị, ý nghĩa (để thuyết phục người đọc rằng bắt nạt là điều xấu, không nên làm). Một số ý kiến cũng cho rằng những từ “mù tạt”, “híp-hóp” không phù hợp với tính đại chúng của SGK vì không phải ai cũng biết đây là gì. Những từ “bắt nạt” bị lặp đi lặp lại nhiều lần không có ý nghĩa. Hay câu thơ “Sao không ăn mù tạt - Đối diện với thử thách đi?” mang vẻ thách thức, không có giá trị khuyên răn.

Chị Thùy Trang (Tân Bình, TP.HCM) nêu quan điểm: “Là phụ huynh khi đọc bài thơ, chị nghĩ rằng không cần phải nhắc đến từ “bắt nạt” quá nhiều lần. Việc nhắc đi nhắc lại từ nào đó sẽ khiến trẻ em ghi nhớ và “ghim” từ đó vào đầu. Điều đó đi ngược với mong muốn của chúng ta là các bạn học sinh nên thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau”.

Đây không phải lần đầu bài thơ bị "chê". Mỗi năm học mới, bài thơ lại lần nữa bị đem ra mổ xẻ, đánh giá rằng không phù hợp để xuất hiện trong SGK.

"Phe" ủng hộ nói gì?

Dẫu vậy, cũng có những teen cho rằng đây là bài thơ thu hút và phù hợp với lứa tuổi teen. Bạn Phạm Nguyễn Quỳnh Như (Quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy bài đọc vào sẽ nhớ liền, thông điệp cũng dễ thương. Bài nói về vấn đề bắt nạt thì lại càng phù hợp để khơi gợi nhận thức học sinh, đặc biệt là đề tài này rất hợp lý khi năm vừa rồi có nhiều vụ bắt nạt học đường xảy ra”.

Quỳnh Như cũng cho rằng những bài thơ văn với từ ngữ đơn giản sẽ kích thích các bạn trẻ sáng tạo hơn, rằng không nhất thiết phải dùng từ phức tạp hay “đao to búa lớn” thì mới có thể viết văn, làm thơ.

Bạn Trần Vũ Nguyên Khôi (lớp 11A17, trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cũng cho biết: “Mình đọc thì thấy bài thơ này khá phá cách, sáng tạo, với cũng gần gũi nữa. Một số tác phẩm văn gây tranh cãi ở chương trình mới thì thường sẽ không phải kiểu điển hình trong tư duy nhiều người. Đó cũng là lý do bài thơ gây ra không ít ý kiến trái chiều”.

Chị Khánh Quỳnh (tác giả viết sách thiếu nhi) thì bày tỏ: “Cá nhân mình cũng là người làm thơ và ra sách thơ, mình cảm thấy bài này không có vấn đề gì về câu từ ngữ nghĩa. Thơ văn cũng như món ăn tinh thần, hợp vị người này, không chuẩn vị người khác. Có người thích thơ mẫu mực như Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, có người đem cả “Dế Mèn” của cụ Tô Hoài ra để bảo viết về bắt nạt phải viết như đoạn Dế Mèn bắt nạt Dế Choắt thì mới là viết... Mỗi người có một phong cách nên không so được”. Chị Quỳnh ủng hộ việc đưa bài thơ vào SGK, cho rằng tác phẩm phù hợp với cách giáo dục học sinh kiểu mới.

Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của tác giả Tô Hoài cũng từng khai thác về bắt nạt. Ảnh: Internet

Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của tác giả Tô Hoài cũng từng khai thác về bắt nạt. Ảnh: Internet

Nhìn nhận bài thơ với tư duy đổi mới giáo dục

Mặc dù vướng không ít tranh luận, bài thơ Bắt nạt đã tạo ra cuộc đối thoại đa chiều với sự tham gia của cả thầy cô, phụ huynh đến học sinh. Và tận dụng tinh thần tranh luận cởi mở này, việc phân tích bài thơ có thể khơi gợi sáng tạo, xây dựng quan điểm, lập luận trong lớp học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

Ở góc độ của người giảng dạy, thầy Trịnh Văn Khoát (giáo viên Ngữ Văn, TP.HCM) nhận xét, thầy hoàn toàn ủng hộ việc đưa chủ đề về bắt nạt này vào chương trình, SGK. “Về cơ bản, chủ đề bài thơ nói về giáo dục chống bạo lực học đường, đây là một chủ đề tích cực và phù hợp với đối tượng học sinh lớp 6” - thầy Khoát chia sẻ.

Bài thơ Bắt nạt trong cuốn sách Ra Vườn Nhặt Nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Ảnh: Ra Vườn Nhặt Nắng

Bài thơ Bắt nạt trong cuốn sách Ra Vườn Nhặt Nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Ảnh: Ra Vườn Nhặt Nắng

Tuy nhiên thầy cho rằng, ở khổ 3, câu “Sao không ăn mù tạt - Đối diện với thử thách đi?” chưa hợp lý. “Xét tâm lý học sinh bắt nạt, thứ nhất thể hiện sức mạnh và khẳng định giá trị bản thân, hai là muốn người khác quy phục mình. Vậy việc ăn mù tạt chưa giúp học sinh bắt nạt đó thỏa mãn nhu cầu trên. Những thử thách như ăn ớt, mù tạt, cùng lắm là những trò vui đùa của các em thôi”, thầy phân tích.

Còn bạn Như, ở góc độ học sinh thì cho biết: “Mình cho rằng câu thơ “Sao không ăn mù tạt - Đối diện với thử thách đi?” là một cách nói ví von rằng các bạn nên thử sức với những thứ nằm ngoài vùng an toàn của mình (ví dụ như chơi môn thể thao mình không thích, học ngôn ngữ mới) hơn là chỉ giới hạn trong nghĩa thô là “ăn mù tạt”. Vì vậy đối với mình nếu phân tích bài thơ ở góc độ tích cực thì bài thơ có giá trị, ý nghĩa”.

Có ý kiến cho rằng bài thơ chưa trọn vẹn cũng là cơ hội mở ra cuộc thảo luận rôm rả trên lớp. Ảnh chụp màn hình

Có ý kiến cho rằng bài thơ chưa trọn vẹn cũng là cơ hội mở ra cuộc thảo luận rôm rả trên lớp. Ảnh chụp màn hình

Thầy Khoát phân tích, giọng điệu các khổ cuối hơi thách thức, như là từ “sao không”, chưa hợp với giáo dục thiên về định hướng và khích lệ chứ không nên thách thức như vậy. Thầy gợi ý, nếu muốn các em học sinh chuyển tâm lý thể hiện sức mạnh thành tâm lý thể hiện yêu thương thì cần có một cách thuyết phục, sử dụng các từ nhẹ nhàng, khuyên nhủ hơn, ví dụ như:

“Loài hoa được yêu quý

Bởi tỏa sắc và hương

Những người được yêu thương

Là người hay giúp đỡ”.

Trước đây, SGK thường được mặc định là "chuẩn mực", rằng SGK là phải đúng, phải là "chân lý". Tuy nhiên, trong thời đại phát triển vũ bão hiện nay, người học không thể chỉ học "kiến thức" cũng như không thể giữ tư duy "đóng" nhìn nhận vấn đề chỉ với hai cực đúng - sai.

Định hướng giáo dục mới là rèn luyện tư duy phản biện, tự học, tự sáng tạo, tự khám phá. Vì vậy mà sự xuất hiện của những tác phẩm gây nên nhiều luồng tranh luận, nhiều góc nhìn cũng thể hiện được tinh thần đổi mới tư duy. Cụ thể như ở bài thơ "Bắt nạt" này, thầy cô và học trò sẽ có nhiều cơ hội cùng đối thoại đa chiều, phản biện, xây dựng tiết học hiệu quả.

Hoàng Mai

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/gia-tri-cua-bai-tho-bat-nat-trong-sach-ngu-van-lop-6-nam-o-tinh-gay-tranh-cai-post1577544.tpo
Zalo