Giá tiêu hôm nay 13/7: Quay đầu giảm, làm sao để giữ giá tiêu ở mức cao?

Giá tiêu hôm nay tại các địa phương đồng loạt giảm nhẹ trở lại. Các chuyên gia ngành hàng hiện khuyến cao người trồng tiêu cần tỉnh táo trước bài học 'được mùa mất giá' và việc mở rộng quá nhanh diện tích trồng, khiến giá giảm sâu.

Giá tiêu hôm nay ngày 13/7/2024 tại thị trường trong nước

Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 13/7/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 13/7/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Sau khi tăng rải rác tại một số địa phương trong ngày hôm qua, giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm trong nước đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa lùi về quanh ngưỡng 152.000 đồng/kg.

Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm 1.000 đồng/kg, đạt 153.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giảm 1.000 đồng/kg, đạt 152.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông giảm 1.000 đồng/kg, đạt 153.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, và Bình Phước cùng giảm 1.000 đồng/kg, còn 152.000 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Trong những tuần gần đây, giá tiêu đang thu hẹp dần biên độ biến động giá, giao dịch quanh ngưỡng 140.000 - 160.000 đồng/kg, vùng giá cao nhất 10 năm trở lại đây. Người trồng tiêu trên cả nước đang vào niên vụ trồng mới cây hồ tiêu với nhiều hy vọng "được mùa được giá".

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) để đảm bảo chất lượng tiêu, đủ sức xuất khẩu ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ thì người trồng tiêu phải thực hiện các yêu cầu căn bản.

Cụ thể, một là không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, hai là chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu, ba là chọn giống tốt, bốn là nên trồng xen canh hơn là trồng thuần, năm là nên trồng tiêu trên cây trụ sống.

Sáu là nên đắp mô ở gốc không nên tạo bồn, bảy là nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ, tám là sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, chín là chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.

Riêng đối với việc sản xuất hồ tiêu của từng hộ gia đình thì cần có đủ 2 điều kiện cơ bản là kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.

Ông Hoàng Phước Bính cũng nhấn mạnh giá tiêu hiện nay là theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu là chính, cung thừa thì giá giảm, cung thiếu thì giá tăng. Do đặc điểm chủ yếu các hộ trồng tiêu nhỏ lẻ, cứ mỗi năm trồng dần một ít chứ không phải trồng tập trung một lần. Nên khi thị trường có giá tốt thì đổ xô đi trồng, trái với quy luật giá cả của thị trường đối với cây công nghiệp dài ngày.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kết thúc năm 2017, toàn quốc có diện tích hồ tiêu 153.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2023, diện tích trồng tiêu chỉ còn 115.000 ha do tình trạng dư cung ở chu kỳ trước khiến giá tiêu xuống thấp, người trồng tiêu lỗ nặng và buộc phải phá bỏ vườn trồng. Điều này đang khiến sản lượng tiêu giảm nhanh, giúp giá tiêu tăng trở lại.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm sao ổn định được sản lượng hạt tiêu ở mức từ 170.000 - 190.000 tấn để duy trì được vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng vấn đề cốt lõi trong việc giữ diện tích, sản lượng hạt tiêu là phải đảm bảo được giá tốt cho nông dân để họ tiếp tục gắn bó với cây trồng này.

Trong năm qua, khi VPSA tổ chức đoàn khảo sát các vùng trồng tiêu, nhiều nông dân đã nói nếu giá tiêu chỉ ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg thì họ không muốn trồng tiêu nữa.

Ngoài việc giữ được giá tốt cho nông dân, tăng cường sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng cũng là giải pháp quan trọng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nâng cao giá trị hạt tiêu và thu nhập cho nông dân.

Giá tiêu hôm nay ngày 13/7/2024 tại thị trường thế giới

(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 12/7 (theo giờ địa phương) như sau:

Giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục tăng ngày thứ 3 liên tiếp, tăng thêm 0,28%, đạt 7.211 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,28%, đạt 9.182 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 7.150 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng được giữ nguyên tại mức 8.800 USD/tấn.

Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn.

Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn.

Tường Vy

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/gia-tieu-hom-nay-13-7--quay-dau-giam--lam-sao-de-giu-gia-tieu-o-muc-cao-123576.htm
Zalo