Giả thiết nào về lịch sử cây chè Thái Nguyên?- Kỳ 3: Giữ lấy gốc xưa, ươm mầm tương lai

Bảo tồn, phát huy giá trị cây chè cổ không chỉ là bảo vệ nguồn gen quý, mà còn là sự tiếp nối giá trị di sản, lịch sử, vun đắp cho tương lai.

Các nhà khoa học đã nhiều lần khẳng định: Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại núi Bóng hay quần thể chè cổ thụ trên đỉnh Tam Đảo chính là những “di sản sống” - minh chứng cho lịch sử, văn hóa và nguồn gen bản địa vô cùng quý giá. Nghị quyết 11-NQ/TU đã cụ thể hóa nhận thức đó thành các nhiệm vụ rõ ràng: khảo sát, xác định nguồn gen, bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ, tiến tới xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận cây di sản quốc gia.

“…Lập hồ sơ công nhận cây chè cổ tỉnh Thái Nguyên là “Cây di sản Việt Nam”, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ quản lý, giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của các cây chè cổ.”

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/02/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030.

Trong một cuộc làm việc vào đầu năm 2025, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định quần thể cây chè cổ có tuổi đời hàng trăm năm là di sản quý của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để đưa tất cả các cây chè cổ tại xã Minh Tiến (Đại Từ) trở thành cây di sản quốc gia. Từ đó có đầy đủ cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị.

Ngay từ năm 2024, đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng” do Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã được triển khai. Đoàn nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại như phân tích ADN, khoan để xác định tuổi cây, đồng thời đối chiếu đặc điểm sinh học với các giống chè cổ ở Hà Giang, Yên Bái và các giống chè trung du truyền thống của Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm các hoạt động phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà. Trong một chương trình quảng bá văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà do UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trà đã gắn bó lâu đời trở thành văn hóa trà của người Việt Nam nói chung, người Thái Nguyên nói riêng. Đồng chí mong muốn mỗi người dân Thái Nguyên phải là một chuyên gia về trà; cả hệ thống chính trị và nhân dân cần nâng cao hơn nữa kiến thức về trà, cùng đồng hành để gìn giữ giá trị văn hóa trà cho muôn đời sau.

Theo PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), hiện nay hoạt động nghiên cứu đang được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các nhà khoa học tập trung vào đánh giá đặc điểm nông sinh học và đa dạng di truyền. Về đánh giá đa dạng di truyền, các nhà khoa học dùng công nghệ sinh học phân tử để phân tích ADN của cây chè cổ thụ này.

Kết quả nghiên cứu chưa được công bố nhưng các nhà khoa học đã “bật mí” những tín hiệu rất tích cực tính đến thời điểm này. Dự kiến, kết quả phân tích gen sẽ giúp phân loại chính xác nguồn gốc các quần thể chè cổ, từ đó xây dựng chiến lược nhân giống và phát triển lâu dài, cũng như đưa ra mối quan hệ, khẳng định chè cổ và chè trung du Thái Nguyên có “họ hàng” với nhau hay không.

Sau khi xác định nguồn gen, các nhà khoa học tiếp tục đánh giá, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ. Công tác bảo tồn cây chè cổ được thực hiện với 2 hình thức là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. Bảo tồn tại chỗ là bảo vệ, phát triển cây chè tại nơi vốn có của nó. Bảo tồn chuyển chỗ là lựa chọn các cây có chất lượng tốt nhất, nhân giống, phục vụ mở rộng giống chè này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Về công tác bảo vệ, tại xã Minh Tiến (Đại Từ), chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng đã xây dựng lán, trạm canh gác và mở tuyến đường tuần tra dài 7,5km, nối từ xóm Lưu Quang 1 đến khu vực có cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng. Đây là khởi đầu cho công tác bảo vệ, bảo tồn cây chè cổ. Tuyến đường được phát quang, làm bậc, đánh dấu ranh giới và có thể trở thành một tuyến du lịch sinh thái đặc sắc trong tương lai gần.

Song song với các hoạt động thực địa, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua vai trò của bí thư chi bộ, trưởng xóm và những người có uy tín trong cộng đồng ở địa phương. Ý thức gìn giữ và bảo vệ cây chè cổ đang từng bước thấm sâu vào nhận thức của người dân vùng chè. Nhiều hộ dân đã chủ động phối hợp cùng lực lượng chức năng, tự nguyện làm “người giữ rừng, bảo vệ cây chè cổ” trong mỗi chuyến lên nương, vào rừng.

Những “nút thắt” về nguồn gen, bảo tồn giống chè cổ đang dần được mở. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về chè, nhà khoa học còn rất nhiều việc phải làm để có nhận định chính xác hơn về lịch sử xuất hiện cây chè tại Thái Nguyên.

Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với Nghệ nhân trà Mông Đông Vũ về các mẫu lá, búp của cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với Nghệ nhân trà Mông Đông Vũ về các mẫu lá, búp của cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ nhận định: Nếu nói về lịch sử, theo tôi nên phân đoạn để nghiên cứu. Giai đoạn xa xưa trước khi có sách “Đại Nam nhất thống chí” là giai đoạn thứ nhất. Các nhà sử học cần căn cứ tư liệu lịch sử để kết luận chè Thái Nguyên có từ khi nào trong giai đoạn này. Thứ hai là giai đoạn từ sách “Đại Nam nhất thống chí” nhìn quay trở về thời điểm trước khi người Pháp lập đồn điền chè tại Thái Nguyên. Giai đoạn thứ ba là từ khoảng thời gian người Pháp bắt đầu làm đồn điền trồng chè tại Thái Nguyên đến ông Đội Năm Vũ Văn Hiệt đưa sản phẩm đi dự thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) năm 1935 và giành giải Nhất. Giai đoạn thứ tư là thời ông Đội Năm đưa chè về trồng ở Tân Cương đến hết thời Pháp thuộc. Và cuối dùng, giai đoạn thứ 5 là từ năm 1945 trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ, một nhà nghiên cứu về chè, cũng nhấn mạnh: Cần sớm có nghiên cứu chiều sâu từ thời xa xưa để có thể nhìn thấy chiều dài lịch sử và văn hóa vô cùng lớn của chè Thái Nguyên. Chúng ta không thể nhìn chỉ từ giai đoạn ông Đội Năm mà “võ đoán” về nguồn gốc chè Thái Nguyên.

Không chỉ mang giá trị lịch sử, cây chè cổ còn mở ra tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp sinh thái và du lịch trải nghiệm. Những tour du lịch leo núi, khám phá cây chè cổ vừa giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trà, vừa làm đa dạng các loại hình du lịch, thúc đẩy phát triển “ngành công nghiệp không khói” của Thái Nguyên.

Đồng thời, những búp chè cổ thụ, nếu được chế biến đúng cách, có thể tạo ra những dòng trà thượng hạng, đậm hương đại ngàn, mang bản sắc riêng biệt không thể trộn lẫn với bất kỳ loại trà công nghiệp nào. Đây là cơ hội để Thái Nguyên phát triển sản phẩm chè đặc sản, tăng giá trị kinh tế cho người trồng, đồng thời định hình một hướng đi mới: chè gắn với trải nghiệm, văn hóa và bản sắc.

Có thể khẳng định, giá trị cây chè Thái Nguyên không chỉ nằm ở sản phẩm trà thương phẩm đang khẳng định vị thế số 1 trong nước, mà còn lắng đọng trong từng gốc cổ thụ rễ bám sâu vào lòng đất mẹ. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè cổ chính là cách chúng ta gieo mầm xanh cho tương lai - để cây chè tiếp tục là niềm tự hào, là linh hồn của vùng đất “Đệ nhất danh trà” và sớm trở thành cây trồng mang lại giá trị tỷ đô.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/gia-thiet-nao-ve-lich-su-cay-che-thai-nguyen-ky-3-giu-lay-goc-xua-uom-mam-tuong-lai-28d1ae3/
Zalo