Giá thép tại Nhật Bản chạm đáy 4 năm vì hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào

Giá thép tại Nhật Bản đang lao dốc trong bối cảnh thị trường tràn ngập sản phẩm từ Trung Quốc, với giá thép cuộn cán nóng chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Tại khu vực Tokyo, giá phân phối thép cuộn cán nóng dày 1,6 mm hiện ở mức khoảng 112.500 yên (tương đương 766 USD)/tấn, giảm 4% so với cuối tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Mức giá này từng đạt đỉnh vào mùa hè năm 2022 trước khi bước vào chu kỳ suy giảm, theo Nikkei Asia.

Bất chấp nhu cầu nội địa suy yếu do ngành xây dựng trong nước gặp khó khăn, Trung Quốc vẫn duy trì sản lượng thép ở mức cao. Lượng sản xuất dư thừa được xuất khẩu ra nước ngoài, kéo giá xuất khẩu giảm sâu do tình trạng cung vượt cầu.

Hàn Quốc và Brazil nằm trong số các quốc gia đang tìm cách áp dụng biện pháp chống bán phá giá để ngăn hàng thép Trung Quốc tràn vào, khiến phần lớn lượng thép còn lại chảy sang thị trường Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Ba (22/7) thông báo đã bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.

Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thép của nước này trong tháng 6 đạt 9,67 triệu tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2025 đạt 58,14 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục cho giai đoạn nửa đầu năm.

Liên đoàn Sắt và Thép Nhật Bản cho biết, nước này đã nhập khẩu 98.667 tấn thép thông thường từ Trung Quốc trong tháng 5, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Một giám đốc tại công ty phân phối thép cán nóng ở địa phương nhận định hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy giá thép sẽ chạm đáy, trong khi thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ vào Nhật Bản, bất chấp nhu cầu trong nước đang giảm.

Theo cổng thông tin ngành thép Trung Quốc Mysteel, giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng hiện vào khoảng 450 USD/tấn, gần chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 - thời điểm nhu cầu suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.

Thị trường thép nội địa của Nhật Bản cũng đang trong tình trạng ảm đạm. Sự bất định liên quan đến thuế quan từ Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, trong khi ngành xây dựng gặp khó khăn do thiếu lao động và thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Thép nhập khẩu giá rẻ khiến giá cả tiếp tục giảm sâu hơn.

Tokyo Steel đã quyết định không tăng giá thép giao tháng 4 để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Quyết định này giúp các nhà sản xuất giảm chi phí đầu vào, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty thép.

Tập đoàn thép JFE Holdings đã tạm ngừng hoạt động tại một lò cao ở tỉnh Okayama và có kế hoạch tạm dừng thêm một lò khác ở tỉnh Hiroshima vào năm tài khóa 2027. Giá thép toàn cầu giảm cũng khiến lợi nhuận xuất khẩu của JFE bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, CEO Yoshihisa Kitano cho biết công ty "sẽ xem xét tái cấu trúc hoạt động nếu tình hình có sự thay đổi đáng kể."

Các động thái ngăn chặn hàng giá rẻ từ các quốc gia khác đã góp phần làm gia tăng lượng thép dư thừa của Trung Quốc. Năm ngoái, thế giới ghi nhận 41 vụ điều tra chống bán phá giá liên quan đến thép, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó 30 vụ nhắm vào Trung Quốc.

Tính đến thời điểm thứ Ba tuần này, đã có 18 vụ điều tra được khởi xướng trong năm 2025 — bao gồm từ Hàn Quốc và Brazil, hai khách hàng lớn của thép Trung Quốc — và có khả năng chạm mức tương đương năm 2024.

Nhật Bản sẽ bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có chứa niken dưới dạng cuộn và tấm nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan, theo thông báo chung từ Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật hôm thứ Ba.

Liên đoàn Sắt và Thép Nhật cho biết, đây là cuộc điều tra chống bán phá giá đầu tiên của nước này liên quan đến sản phẩm thép (trừ sản phẩm gia công). Động thái này làm dấy lên câu hỏi liệu Nhật Bản có mở rộng điều tra sang cả thép thông thường hay không.

Trong các nỗ lực khác nhằm bảo vệ ngành thép nội địa, Mỹ đã áp mức thuế 25% với sản phẩm thép từ tháng 3 và nâng lên 50% vào tháng 6. Canada cũng tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 50% với lượng nhập khẩu thép vượt hạn ngạch.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-thep-tai-nhat-ban-cham-day-4-nam-vi-hang-gia-re-trung-quoc-tran-vao.html
Zalo