Gia tăng nhanh chóng dân số người cao tuổi ở ASEAN
Cách đây đúng một thập kỷ, có 39,3 triệu người từ 65 tuổi trở lên ở Đông Nam Á. Con số này kể từ đó đã tăng lên 56,2 triệu người theo ước tính dân số của Liên hợp quốc, phản ánh sự gia tăng nhanh chóng về dân số người cao tuổi của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
![Người cao tuổi ở Singapore tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng. Ảnh minh họa: Today Online](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_459_51441016/a08b8854bc1a55440c0b.jpg)
Người cao tuổi ở Singapore tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng. Ảnh minh họa: Today Online
Các chuyên gia nhận định, xu hướng nhân khẩu học được thúc đẩy bởi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, đang gây áp lực buộc các quốc gia thành viên ASEAN phải nhanh chóng điều chỉnh cơ sở hạ tầng và các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Ông Chai Sen Tyng, một nhà nhân khẩu học đến từ Đại học Putra Malaysia cho rằng, để chuẩn bị cho số lượng người cao tuổi gia tăng, các quốc gia thành viên ASEAN cần đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.
Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, Thái Lan có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất với 13,4% dân số tính đến năm 2023, theo số liệu thống kê của ASEAN. Singapore đứng thứ hai với 12,1%, và Việt Nam đứng thứ ba với 9,2%.
Trước đó, một nghiên cứu của Ban Thư ký ASEAN năm 2023 đã chỉ ra, khu vực này đang già hóa nhanh hơn so với nhiều quốc gia phát triển. Số liệu của ASEAN cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2022, dân số cao tuổi trong khu vực tăng nhanh hơn 4 lần so với tổng dân số của khu vực.
Được biết, ASEAN đã thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về già hóa trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Malaysia năm 2015. Với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng trong dân số, Tuyên bố đã kêu gọi các hệ thống hỗ trợ xã hội và y tế nhằm thích ứng trước những thách thức.
Ngoài Tuyên bố nói trên, các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã xây dựng các chính sách quốc gia để hỗ trợ người cao tuổi, bao gồm nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ lương hưu.
Tại Malaysia, các thành phố như Penang Island và Sibu đã được Mạng lưới các Thành phố và cộng đồng thân thiện với người cao tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là thành phố/cộng đồng thân thiện với người cao tuổi. Mạng lưới này nhằm thúc đẩy phát triển cộng đồng thân thiện với người cao tuổi để tăng cường quá trình già hóa khỏe mạnh.
Trong đó, ông Tey Nai Peng đến từ Đại học Malaya cho hay: “Việc tích hợp công nghệ được thiết kế để giải quyết các nhu cầu cụ thể của người cao tuổi đang được triển khai tại những thành phố này”.
Singapore là một ví dụ khác, nơi cung cấp cho người cao tuổi nhiều chính sách ưu đãi để họ có thể già hóa năng động. Các chương trình như Chương trình Già hóa năng động hoặc các Trung tâm Già hóa năng động khuyến khích người cao tuổi duy trì sức khỏe và sự gắn kết thông qua việc học tập suốt đời, cũng như các hoạt động cộng đồng.
“Người cao tuổi ở Singapore tham gia tích cực hơn vào cuộc sống so với những người cùng tuổi ở các quốc gia láng giềng”, ông Tey Nai Peng nói thêm; đồng thời lưu ý, Singapore có độ tuổi nghỉ hưu cao nhất trong số các quốc gia ASEAN, ở mức 64 tuổi vào năm 2026.