Gia tăng cúm A sau Tết: Tuyệt đối không chủ quan
Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, số người mắc cúm A (cúm mùa) tại tỉnh Thái Nguyên phải nhập viện điều trị tăng cao trong những ngày sau Tết, tăng nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Điều đáng nói là số người mắc ở đủ các lứa tuổi, thay vì chỉ tập trung ở người cao tuổi và một số người có bệnh nền. Do đó, mọi người không nên chủ quan với loại cúm này.
![Một bệnh nhân mắc cúm A phải thở ô xy tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_458_51426554/c84dd78eedc0049e5dd1.jpg)
Một bệnh nhân mắc cúm A phải thở ô xy tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Bác sĩ Nông Văn Huy, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: So với cùng kỳ, năm nay, số ca đến khám và nhập viện tại Bệnh viện A do cúm A gia tăng đáng kể. Đặc biệt năm nay, số người nhiễm cúm ở các lứa tuổi, từ trẻ em, thanh niên đến người già. Khi đến Bệnh viện, chúng tôi khám sàng lọc, những trường hợp nặng, có bệnh nền sẽ được cho vào viện để theo dõi. Trước Tết cũng đã lác đác xuất hiện một vài ca, nhưng sau Tết, số ca mắc tăng nhanh.
Hiện, trong số 26 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa, có 8 bệnh nhân cúm A, trong đó có 2 phụ nữ mang thai, 1 bệnh nhân có bệnh mạn tính là suy tim, sau khi nhiễm cúm A chuyển sang cả viêm phổi. Bệnh nhân thường có các biểu hiện chung là sốt, mệt nhiều.
Còn tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trong số hơn 40 bệnh nhân đang điều trị tại đây, có hơn một nửa mắc cúm, chủ yếu là cúm A, số ít nhiễm cúm B.
Theo các nhà nghiên cứu, những người mắc cúm A tỷ lệ gây ra biến chứng nhiều hơn, như: Viêm phổi ở trẻ em, người già… Còn cúm B thường nhẹ và tỷ lệ biến chứng cũng ít hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây, Khoa tiếp nhận hơn 80 bệnh nhân cúm. Sau Tết, số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh, chủ yếu là người già trên 65 tuổi và những người có bệnh nền, như thận mạn tính, tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Trong số các bệnh nhân điều trị tại Khoa, duy nhất có 1 trường hợp nặng bị viêm cơ tim trên nền bệnh nhân suy tim, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, được gia đình xin đưa về nhà. Còn lại các bệnh nhân đều được điều trị khỏi.
Cúm A lây qua đường hô hấp, rất dễ nhầm với bệnh viêm đường hô hấp khác. Với những người khỏe mạnh bình thường, bệnh diễn biến nhẹ, có thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, với những người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, bệnh có thể diễn biến nặng như viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim; thậm chí với người có bệnh nền có thể bị suy hô hấp và tử vong. Do đó, mọi người tuyệt đối không được chủ quan, cần thăm khám kịp thời để có các biện pháp điều trị.
![Một bệnh nhân mang thai mắc cúm mùa được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện A Thái Nguyên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_458_51426554/43275ee464aa8df4d4bb.jpg)
Một bệnh nhân mang thai mắc cúm mùa được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện A Thái Nguyên.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền: Cúm mùa mang tính chất y tế công cộng, có tính chất nghiêm trọng trên toàn thế giới. Hàng năm, thế giới có khoảng 1 tỷ người nhiễm, trong đó khoảng 1 triệu người có diễn biến nặng.
Khi xuất hiện các biểu hiện sốt, ớn lạnh, gai rét, ho, đau rát họng, đau mỏi cơ khớp toàn thân, một số trường hợp có thể buồn nôn, tiêu chảy… chúng ta cần phải đến ở cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán chính xác cúm mùa để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.
Bà Đàm Thị Cắm, xóm Hang Cô, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), 74 tuổi, chia sẻ: Sau Tết, tôi thấy người đau nhừ, ho nhiều, sốt nhẹ. Đến ngày hôm sau, tôi đã bị ngất trong lúc ngủ vào buổi chiều. Các con đánh thức tôi không được nên đã đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu. Đây là lần đầu tiên tôi mắc cúm A, tôi không nghĩ lại đáng sợ đến thế. Sau 3 ngày điều trị, tôi vẫn mệt nhưng cũng đã đỡ hơn nhiều.
Cúm A thường xuất hiện vào giai đoạn đông xuân với khí hậu nồm, ẩm, là môi trường thuận lợi để vi rút lây lan trong cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những lý do để giải thích vì sao sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, số người nhiễm cúm A tăng mạnh. Cùng với đó, những ngày Tết, người dân giao lưu, tập trung đông người nhiều hơn và ít quan tâm đến vệ sinh mũi họng, không đeo khẩu trang, cũng góp phần khiến tỷ lệ lây lan cúm A nhiều hơn trong cộng đồng.
Để chủ động phòng chống cúm A, mọi người cần giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh mũi họng, uống nước ấm, tăng cường chất dinh dưỡng, uống nhiều nước cam, vitamin C… Đặc biệt là cần tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm, đây được cho là biện pháp để phòng bệnh cúm mùa hữu hiệu nhất.
Ở Việt Nam, cúm mùa xảy ra quanh năm, trong đó cao điểm nhất là vào giai đoạn đông xuân (tháng 2 và 3) và vào tháng 9-10. Vì thế, thời gian tiêm phòng cúm hiệu quả nhất là vào tháng 6-7.