Giá phân bón khó hồi phục trong ngắn hạn, triển vọng nào cho cổ phiếu nhóm này?

Mặc dù đã trải qua mùa thấp điểm, giá phân bón Quý 2/2023 sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn nhưng ít nhất sẽ không giảm mạnh như Quý 1/2023.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong Quý 1 vừa qua, 26 công ty phân bón niêm yết đạt doanh thu 21.375 tỷ đồng giảm 17,9% so với quý liền kề trước đó và giảm -29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 3.290 tỷ đồng giảm 50,8% so với quý trước và giảm 67,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm xuống còn 1.375 tỷ đồng giảm lần lượt 64,6% so với quý trước và giảm 80,8% so với năm ngoái do nền cao trong Quý 1/2022.

Sự sụt giảm này theo Chứng khoán KIS là do mùa thấp điểm và nhiều yếu tố bất lợi trong năm 2023.

Năm công ty hàng đầu (DPM, DCM, DGC, BFC và DHB) chiếm 52% doanh thu toàn ngành. Trong giai đoạn khó khăn của ngành, hầu hết đều chứng kiến doanh thu tăng trưởng âm và DPM dẫn đầu với 3.264,7 tỷ đồng giảm 16% so với quý liền kề trước đó và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau đó, DCM và DGC cũng ghi nhận doanh thu giảm lần lượt là 2.734,7 tỷ đồng giảm 39% theo quý, giảm 33% so với năm ngoái và 2.483,1 tỷ đồng giảm 20% theo quý, giảm 32% theo cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp của ngành trong Q1/2023 giảm đáng kể 17,8% cùng kỳ năm ngoái xuống 15,4%, nguyên nhân chủ yếu là do giá phân bón giảm do nhu cầu yếu hơn vào mùa thấp điểm; Nguồn cung phân bón từ Trung Quốc và Nga hồi phục. Cụ thể, giá bán urê trong nước giao dịch quanh mức 9.500-9.600 đồng/kg giảm 30% từ đầu năm đến nay vào ngày 30/3.

Biên lợi nhuận ròng cũng giảm xuống 6,4% giảm 8,5% theo quý và giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái do biên lợi nhuận gộp giảm và Chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng 1,7% lên 8,7%. Hòa cùng xu hướng giảm, biên lợi nhuận gộp của 3 công ty dẫn đầu DPM,DCM, DGC cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 32,4%/27,7%/11,1% cùng kỳ năm ngoái về còn 16%/21%/36% trong quý 1/2023.

Kết quả kinh doanh Q1/2023 cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm của ngành. Trong đó ba công ty hàng đầu (DPM, DCM, DGC) công bố lợi nhuận sau thuế giảm đáng kể 88%/85%/45% so với năm ngoái xuống còn 230 tỷ đồng/262 tỷ đồng/823 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do giá urê và giá P4 giảm. Trong khi đó, BFC và DHB lại ghi nhận lỗ lần lượt 39,6 tỷ đồng và 129,5 tỷ đồng. Đối với DHB, đây là đợt ghi nhận lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp ghi nhận lãi.

Cũng theo KIS, quý 1 chứng kiến sự sụt giảm giá đầu ra của ngành phân bón. Cụ thể, giá bán urê trong nước giao dịch quanh mức 9.500-9.600 đồng/kg giảm 30% từ đầu năm đến nay vào ngày 25/4. Bên cạnh đó, giá P4 hiện đã giảm 24.000 RMB/tấn so với 31.800 RMB/tấn vào ngày 4/2.

Mặc dù đã trải qua mùa thấp điểm, giá phân bón Quý 2/2023 sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn nhưng ít nhất sẽ không giảm mạnh như Quý 1/2023.

Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu sụt giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu do áp lực cạnh tranh từ sự trở lại của Trung Quốc và Nga trên chiến trường phân bón toàn cầu. Như vậy, áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ cao hơn do hoạt động xuất khẩu gặp nhiều bất lợi.

Những lợi thế mà Việt Nam được hưởng trong năm 2022 khó có thể xảy ra lần nữa vào năm 2023 và gần nhất là Quý 2/2023 Trên cơ sở đó, Chứng khoán KIS đưa ra triển vọng trung lập với nhóm này.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-phan-bon-kho-hoi-phuc-trong-ngan-han-trien-vong-nao-cho-co-phieu-nhom-nay.htm
Zalo