Giả mạo đại lý bán vé máy bay Tết 2025 để lừa đảo

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua (11-11 đến 17-11).

1. LỪA ĐẢO THẺ TÍN DỤNG, QUA MẶT XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC

Cục An toàn thông tin dẫn thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết hiện nay, nhiều đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, gọi điện lừa dối hoàn tiền cho người mở tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền tại ngân hàng, tội phạm công nghệ còn dùng các thủ đoạn để lách xác thực sinh trắc học.

2. GIẢ MẠO BÁN VÉ MÁY BAY TẾT 2025 ĐỂ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong khi đó, Vietnam Airlines và cơ quan chức năng ghi nhận một số trường hợp các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng.

Cụ thể, một số trang web có tên miền giống, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng như sau: vietnamairslines.com; vietnamaairlines.com; vietnamairlinesvn.com; vemaybayvietnam.com.

Các website này có tên địa chỉ, giao diện, màu sắc, logo được thiết kế tương tự website chính hãng của Vietnam Airlines, vì vậy rất khó để phân biệt so với website chính hãng của Vietnam Airlines (https://www.vietnamairlines.com).

Thủ đoạn của đối tượng trên thường là mạo danh đại lý vé cấp 1 của Vietnam Airlines. Khi khách hàng làm các thủ tục mua vé máy bay sẽ nhận được gửi mã đặt chỗ để làm tin và khuyến cáo phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc.

Ngoài ra, một số đối tượng gửi email hoặc tin nhắn thông báo rằng khách hàng đã “trúng thưởng” hoặc nhận ưu đãi vé máy bay. Khi khách hàng truy cập vào đường link đính kèm và cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ lấy cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc yêu cầu thanh toán.

Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé (chịu mất phí hoàn vé) và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả.

3. BÁN THUỐC ONLINE, DẪN DỤ MUA BẢO HIỂM NHẰM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Tin lời hai đối tượng tư vấn bán thuốc khi hứa hẹn giúp mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng, bà M. (ngụ tỉnh Thái Bình) đã bị lừa hơn 200 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng lừa đảo khai nhận, do không có tiền chi tiêu cá nhân, các đối tượng đã tìm thông tin của những người bệnh để gọi điện làm quen, tìm hiểu và tư vấn bán thuốc.

Nếu thấy bị hại là người nhẹ dạ cả tin, các đối tượng sẽ nói chuyện tạo niềm tin nhằm dụ dỗ, hứa hẹn giúp bị hại mua bảo hiểm để được nhận tiền hằng tháng. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt của bà M tổng số tiền trên 200 triệu đồng.

4. NHẬT BẢN: PHÁT HIỆN VỤ LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ TRÊN MẠNG VỚI SỐ TIỀN THIỆT HẠI 5,3 TRIỆU USD

Cục An toàn thông tin cũng dẫn thông tin từ Nhật Bản cho biết ngày 12-11, lực lượng chức năng Nhật Bản đã tiến hành bắt giữ 1 người đàn ông Trung Quốc với cáo buộc lừa đảo một phụ nữ 71 tuổi với số tiền lên tới 809 triệu yên (134 tỉ đồng). Đây là vụ lừa đảo đầu tư trên mạng xã hội có số tiền lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản.

Người đàn ông bị bắt giữ có tên là Wen Zhuolin, 34 tuổi, tự xưng là Giám đốc công ty, trú tại phường Sumida, thủ đô Tokyo. Trong khi đó, nạn nhân là Giám đốc điều hành của một công ty tại tỉnh Ibaraki.

Ông Zhuolin đã tạo ra quảng cáo về chương trình đầu tư thông qua nền tảng mạng xã hội Instagram. Trong quảng cáo này, ông tự nhận mình là Takuro Morinaga - nhà phân tích kinh tế người Nhật Bản - để gia tăng mức độ uy tín.

Khi nạn nhân tiếp cận và ngỏ ý muốn đầu tư, ông Zhuolin yêu cầu sử dụng ứng dụng nhắn tin Line để tiện cho việc tư vấn và trao đổi. Chỉ sau hơn 1 tháng thuyết phục, nạn nhân đã chuyển 10 triệu yên (1,6 tỉ đồng).

Ban đầu, các đối tượng lừa đảo đã cho nạn nhân thấy khoản đầu tư trên tạo ra lợi nhuận. Do đó, người phụ nữ này tiếp tục chuyển hoặc giao tổng cộng 799 triệu yên cho những kẻ không rõ danh tính thông qua 47 giao dịch.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-mao-dai-ly-ban-ve-may-bay-tet-2025-de-lua-dao-196241118105643509.htm
Zalo