Giá lợn hơi giảm, vì sao sức mua vẫn ảm đạm?
Dù lợn hơi liên tục giảm giá trong những ngày gần đây, nhưng giá thịt lợn tại các chợ truyền thống vẫn giữ ở mức cao, khiến sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thị trường lợn hơi ngày 27/3 ghi nhận xu hướng tiếp tục giảm giá về mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay. Tại miền Bắc, các tỉnh như Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang ghi nhận mức giá dao động quanh ngưỡng 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm mạnh hơn, có địa phương giảm lên tới 3.000 đồng/kg. Thị trường miền Nam cũng ghi nhận đà giảm giá, với mức giảm trung bình 1.000 đồng/kg tại Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Giá lợn hơi tại miền Nam vẫn duy trì ở mức cao nhất cả nước từ 76.000 - 78.000 đồng/kg, nhưng không còn giữ ở mốc 83.000 đồng/kg so với một tuần trước.
Theo chị Nguyễn Thị Dung, tiểu thương tại chợ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, hiện nguồn cung đã khá dồi dào. Trước đây 1 tháng, các chủ lò mổ vào tận các khu dân cư để “lùng sục” mua hàng. Mặc dù sống trong khu dân cư có nhiều hộ nuôi lợn nhưng chị vẫn không mua được hàng.

Giá thịt lợn tại chợ truyền thống vẫn bán ở mức cao
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi giảm trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân. Sau thời gian dài giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn. Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2025 ước đạt 26.802,2 nghìn con, tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm 2024.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chi gần 10.000 tỉ đồng nhập khẩu thịt chỉ trong một tháng. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 2-2025, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 373 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thịt 2 tháng năm nay đạt hơn 734 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2024. Giá nhập khẩu thịt lợn trung bình về Việt Nam ở mức 2.672 USD/tấn.
“Mặc dù giá lợn trong nước liên tục giảm nhưng biên độ chênh lệch với các nước trong khu vực vẫn còn khá lớn. Mức chênh lệch này có thể khiến nguồn lợn nhập khẩu được đưa về nhiều hơn. Hiện giá lợn hơi ở Campuchia thấp hơn Việt Nam khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg”, ông Đoán cho biết thêm.

Việt Nam đã chi gần 10.000 tỉ đồng nhập khẩu thịt.
Dù giá lợn hơi đã giảm, giá thịt tại các chợ dân sinh vẫn giữ nguyên ở mức cao, khiến sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo chị Dung mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá lợn móc hàm mua tại lò mổ ngày hôm qua 26/3 ở ngưỡng 100 nghìn đồng/kg, giảm không đáng kể so với 1 tháng trước đây là 105 nghìn đồng/kg. Vì giá bán lẻ ngoài chợ vẫn bán ở mức cao, có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, thịt ba chỉ 140 nghìn đồng/kg, thịt vai giòn 120 nghìn đồng/kg, mông sấn hay vai sấn thì 110 nghìn đồng/kg, thịt chân giò 120 nghìn đồng/kg… Vì mức giá không giảm nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thay đổi khẩu phần ăn chọn các thực phẩm thay thế khác khiến thịt lợn bày bán tràn lan tại các sạp nhưng không có người mua. Thay vì trước đây bán được 2 tạ thịt /ngày thì hiện nay sạp của chị Dung chỉ bán được giảm bằng một nửa.
Giá lợn hơi giảm, sức mua yếu khiến thị trường ảm đạm, trong khi chi phí chăn nuôi, đặc biệt là giá con giống cao ngất ngưởng khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó, có thể phải bán cắt lỗ nếu tình trạng này tiếp diễn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2025 dự kiến giảm nhẹ do nhiều yếu tố như dịch bệnh và chi phí chăn nuôi tăng cao. Cụ thể, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc – quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới – dự kiến giảm 1% so với năm trước. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả thịt lợn trên thị trường quốc tế.