Già làng, người uy tín là điểm tựa thôn làng vùng biên
Già làng, người uy tín là những tấm gương đi đầu và cũng là điểm tựa cho đồng bào ở khu vực biên giới, góp phần bảo đảm an ninh biên giới.
Chiều 10-1, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị gặp mặt già làng, người có uy tín khu vực biên giới của tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2025 nhằm ghi nhận, tri ân những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Điểm tựa của thôn, làng
Tỉnh Gia Lai có 49 thôn, làng (thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới gồm Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông), dân số hơn 11.000 hộ với 20 dân tộc anh em sinh sống dọc biên giới dài 90 km. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của khu vực luôn đảm bảo, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các già làng, người uy tín.
Dịp đầu năm mới 2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc gặp gỡ, tri ân thắm đậm nghĩa tình. Từ khu vực biên giới xa xôi, 50 già làng, người uy tín đại diện cho hơn 50.000 nhân khẩu ở vùng biên về dự trong không khí vui tươi.
Già làng Ksor Blâm (80 tuổi, người Jrai, ngụ làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông), phấn khởi chia sẻ: “Tham gia gặp mặt, tôi rất tự hào vì luôn được bà con tin tưởng, cử làm già làng. Tôi vẫn hứa với bà con, ngày nào tôi còn khỏe thì tôi vẫn nỗ lực, làm hết sức, cống hiến cho làng, cho địa phương. Trong công tác, mình làm già làng thì phải làm gương, điểm tựa cho người dân”.
Già làng Blâm cho biết trong công tác an ninh biên giới ở địa phương lâu nay luôn đảm bảo, Bộ đội Biên phòng rất gần gũi và luôn đồng hành, hỗ trợ người dân. Đặc biệt, mô hình “con nuôi biên phòng” đã giúp đỡ cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Đến hiện tại, già Blâm là nữ già làng cao tuổi và thâm niên nhất ở Tây Nguyên, có nhiều đóng góp giúp đồng bào phát triển kinh tế xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Từ năm 1962, bà tham gia thanh niên xung phong, xuất ngũ về địa phương năm 1987 và được dân tin yêu, bầu làm già làng hàng chục năm nay.
Có mặt tại hội nghị, ông Ksor Bơn (70 tuổi, người uy tín xã Ia O, huyện Ia Grai), chia sẻ thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ cho người dân trên địa bàn rất nhiều, gần gũi với bà con như người nhà. Bộ đội thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ người dân đảm bảo an ninh trật tự, tránh xa tệ nạn. Gần nhất, đã tham gia giải cứu bảy thanh niên bị lừa bán sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao".
“Việc nhiều người nhẹ dạ, bị lừa bán ra nước ngoài là câu chuyện buồn ở địa phương, nhiều gia đình phải trả giá đắt là bán đất, bán bò. Tôi mong muốn Bộ đội Biên phòng tiếp tục tăng cường công tác đảm an ninh trên địa bàn, để buôn làng luôn bình yên” - ông Ksor Bơn nói.
Cùng tại buổi gặp, già làng Rơ Châm Chích (68 tuổi, ngụ làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai), nói: “Tôi rất cảm ơn Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên tuyên truyền, bồi dưỡng cho tôi về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, lòng tự hào dân tộc. Vì thế, bản thân tôi luôn nhận thức và nỗ lực phát huy vai trò người đi đầu, gương mẫu tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh xa các âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Mỗi xã vùng biên là “pháo đài” vững chắc
Đánh giá về vai trò của già làng, người uy tín, Đại tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành địa phương, từng già làng, người uy tín đã thực sự trở thành những điểm tựa của thôn, làng trên khu vực biên giới”.
Theo Đại tá Rơ Mah Tuân, năm qua, các già làng, người uy tín đã thực hiện tốt các phòng trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; giúp người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai biểu dương những đóng góp to lớn của các già làng, người có uy tín trên khu vực biên giới của tỉnh.
Đồng thời, ông Niên bày tỏ mong muốn các già làng, người uy tín tiếp tục phát huy tính nêu gương, đi đầu tạo sự lan tỏa trong nhân dân, với tinh thần “già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Qua đó, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người dân trong công tác thông tin, tố giác tội phạm, để mỗi người dân, mỗi già làng, người có uy tín là một kênh thông tin và mỗi thôn, làng, xã vùng biên giới là một “pháo đài” vững chắc trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc.
Đồng thời, đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh, cần làm nòng cốt trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền các huyện, xã giới; tạo điều kiện cho già làng, người có uy tín được tham gia góp ý, giải quyết các vấn đề bức thiết của nhân dân để già làng, người có uy tín thực sự là “điểm tựa của thôn, làng”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.