Gia Lâm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Huyện Gia Lâm đang đứng tốp đầu của thành phố trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, nhờ xây dựng nông thôn mới với các cấp độ ngày càng cao gắn liền các tiêu chí đô thị nên hiện nay, khu vực nông thôn của huyện Gia Lâm ngày một văn minh, hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để huyện trở thành quận trong thời gian tới.

Những “phố làng” ở Gia Lâm

Những làng quê ở Gia Lâm hôm nay nhộn nhịp, sầm uất, văn minh, hiện đại chẳng khác nào đô thị. Bà Dương Thị Phương, chủ một cơ sở sản xuất hành phi ở thôn Thuận Quang (xã Dương Xá) cho biết: "Gia đình mỗi tháng chế biến hàng chục tấn hành phi và hành sấy khô. Không chỉ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, gia đình tôi còn sử dụng các hình thức thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm nên tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi...".

Ông Tô Hữu Vịnh - Chủ tịch UBND xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho biết: Năm 2022, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, du lịch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao luôn thu hút trên 60% số người dân tham gia, hoạt động của các câu lạc bộ được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Y tế được nâng cấp về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám, chữa bệnh.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cổ Bi có diện mạo ngày một khang trang, sạch đẹp.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cổ Bi có diện mạo ngày một khang trang, sạch đẹp.

Cổ Bi cũng là một đơn vị đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Cổ Bi có truyền thống văn hóa lâu đời. Từ đầu những năm 2010 đến nay, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đã khơi dậy được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của mỗi ngôi làng như: Hát chèo, hát tuồng, hát quan họ; trùng tu, tôn tạo đình chùa và các công trình kiến trúc cổ. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn Hội đã xây dựng mô hình thôn thông minh.

Xã Kiêu Kỵ cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện, giao thông nông thôn ở Kiêu Kỵ đã được bê tông, trải nhựa; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% số trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; thu nhập bình quân trên địa bàn xã hết năm 2022 đã đạt 72,6 triệu đồng/người/năm...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, từ năm 2017, toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 100%. Năm 2018, huyện về đích huyện nông thôn mới. Đến hết năm 2022, Gia Lâm đã có 15/20 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông thôn mới - bản lề của đô thị

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, xác định hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là bản lề để Gia Lâm phát triển thành quận, trong những nhiệm kỳ gần đây, huyện đã quan tâm, đầu tư rất lớn cho xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, huyện triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu gắn với mục tiêu phát triển huyện thành quận.

Đặc biệt, năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 118-KH/BCĐ ngày 17-2-2023 về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2020-2025, Gia Lâm phấn đấu năm 2023 có 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%) số xã; thêm 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Để triển khai, Huyện ủy Gia Lâm thực hiện kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình "Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư huyện Gia Lâm trở thành quận, giai đoạn 2020-2025". UBND huyện giao Phòng Kinh tế chủ động hướng dẫn các xã rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp quy định mới...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, tính đến nay, 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện là: Kim Sơn, Trung Màu, Yên Thường, Dương Quang, Đông Dư đều đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu. Riêng với 2 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, kết quả tự đánh giá của địa phương cho thấy: Ninh Hiệp đã đạt 2 lĩnh vực kiểu mẫu là du lịch và văn hóa; xã Bát Tràng đạt 2 lĩnh vực là du lịch và an ninh trật tự.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã Phú Thị được đầu tư xây dựng khang trang.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã Phú Thị được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày một nâng cao. Gia Lâm không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm; huyện có 20.038/27.450 lao động được đào tạo; hầu hết lao động đều có việc làm. Bên cạnh đó, Gia Lâm cũng có 92,9% người dân tham gia bảo hiểm y tế; có 122 thôn làng được công nhận làng văn hóa; 100% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; 100% số hộ sử dụng nước sạch. Huyện có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế; 20/20 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 75/78 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 96,1%...

Nghề gốm ở Kim Lan đang tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân.

Nghề gốm ở Kim Lan đang tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân.

Thành tựu trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới là bản lề, là đòn bẩy, tác động mạnh mẽ để Gia Lâm trở thành đô thị, là quận trung tâm của thành phố trong tương lai gần...

Nhiều hộ dân xã Lệ Chi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa ly, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhiều hộ dân xã Lệ Chi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa ly, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-lam-xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-do-thi-639390.html
Zalo