Gia Lai: Xã nghèo đổi thay nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm

Nhờ mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân có cuộc sống khó khăn nay đã thoát nghèo, ổn định kinh tế.

Đổi thay nhờ dâu tằm

Thay vì nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra bấp bênh, nhiều năm trở lại đây, các hộ dân bắt đầu liên kết, sản xuất mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Nhờ có hợp tác xã định hướng, nhiều hộ dân được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi có khoa học, nay đã thoát được nghèo, cuộc sống ổn định.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình kinh tế mới này, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Trên địa bàn xã nhiều năm trở lại đây, mô hình trồng dâu nuôi tằm nở rộ. Nhờ thành lập hợp tác xã, các hộ dân liên kết lại với nhau. Người có kinh nghiệm, kỹ thuật, hướng dẫn, truyền đạt lại cho các hộ mới tập nuôi.

Nhờ có hướng đi đúng đắn, chăn nuôi khoa học mà nhiều hộ dân thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/ tháng. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Hiện tại, trên địa bàn xã có 98 hộ liên kết trồng dâu nuôi tằm với diện tích 113ha".

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại tằm giống Ia Lâm, xã Hbông, huyện Chư Sê) là nơi chuyên cung cấp con giống cho các hộ dân trên địa bàn.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại tằm giống Ia Lâm, xã Hbông, huyện Chư Sê) là nơi chuyên cung cấp con giống cho các hộ dân trên địa bàn.

Theo chỉ dẫn của Chủ tịch xã Hbông, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại tằm giống Ia Lâm, xã Hbông, huyện Chư Sê), nơi chuyên cung cấp con giống cho các hộ dân trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi anh Nam cho biết, những năm trước việc trồng dâu nuôi tằm chỉ manh mún một vài hộ. Người dân chưa nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi dẫn đến năng xuất thấp, lợi nhuận không đáng bao nhiêu.

Tuy nhiên, những năm qua xã thành lập hợp tác xã, người dân được phổ biến về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Nhiều người dã thoát được nghèo có thu nhập ổn định hàng tháng.

Theo anh Nam, hiện trại anh đang gây 100 hộp giống cung cấp cho người dân với giá 1 triệu đồng/ hộp. Cái khó nhất với người nuôi tằm là con giống.

Bởi hiện nay, nguồn giống phụ thuộc 100% từ Trung Quốc nhập về, nhiều khi không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng coi như thua lỗ.

Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định nhờ việc trồng dâu nuôi tằm.

Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định nhờ việc trồng dâu nuôi tằm.

Ông Phạm Văn Hùng (ngụ làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chia sẻ: "Sau nhiều năm học hỏi mô hình, gia đình ông Hùng đang sở hữu hơn 4ha diện tích đất trồng dâu. Nhờ vậy, gia đình ông Hùng có nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm".

Theo ông Hùng, một tua nuôi kéo dài trong vòng gần 18 ngày và số kén gia đình ông thu được luôn đạt khoảng 60-70kg. Bình quân 1 tháng, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm."Như vụ gần đây nhất, gia đình nuôi 6 hộp tằm, thu nhập 100 triệu đồng/tháng từ việc bán kén. Nhận thấy hiệu quả mang lại từ nuôi tằm, gia đình quyết định đầu tư gần 600 triệu đồng làm trại nuôi, thuê đất trồng dâu, mua con giống, thiết bị phục vụ nuôi tằm", ông Hùng nói.

Người dân thu hoạch kén bán cho các đơn vị thu mua trên địa bàn.

Người dân thu hoạch kén bán cho các đơn vị thu mua trên địa bàn.

Lan tỏa mô hình trồng dâu nuôi tằm

Tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông), nhiều năm gần đây, được biết đến là địa phương có tỉ lệ người dân trồng dâu nuôi tằm tăng đột biến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Rơh Mah Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ia Ga cho biết: "Trong thời gian gần đây tỉ lệ người dân trồng dâu nuôi tằm tăng lên rất nhiều, thậm chí số liệu tăng lên từng ngày. Để người dân yên tâm chăn nuôi, nắm được kỹ thuật, vừa qua xã đã có quyết định thành lập mô hình Nông hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Ga.

Người có kinh nghiệm đi trước sẽ truyền đạt cho người đi sau. Nhờ vậy thời gian những năm qua, các hộ dân nghèo bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã thoát nghèo".

Tại xã Ia Ga, người dân chuyển đổi mô hình sang trồng dâu làm nguồn nguyên liệu để nuôi tằm.

Tại xã Ia Ga, người dân chuyển đổi mô hình sang trồng dâu làm nguồn nguyên liệu để nuôi tằm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Hồng Kiều, chủ nhiệm mô hình, cũng là người thành công trong mô hình trồng dâu nuôi tằm chia sẻ: "Đến nay hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều trồng dâu nuôi tằm.

Người nhiều thì 5-6ha, còn người ít vài ba sào tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, đến nay hầu hết những người nuôi tằm đều có lãi thu nhập bình quân từ 30 triệu- 50 triệu đồng/tháng".

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tằm ông Kiều cho biết thêm: "Việc nuôi tằm cũng không có gì là khó khăn cả, về kỹ thuật người đi trước bày lại cho người đi sau. Sáng sớm, gia đình tranh thủ ra vườn cắt lá dâu về bỏ vào máy băm để rải cho tằm ăn. Thời gian tằm ăn rỗi thì phải cho lá nhiều hơn.

Chất lượng lá dâu phải đặt lên hàng đầu. Lá dâu sạch và không dính các thuốc trừ sâu. Khi tằm lỡ ăn những lá bệnh hoặc trúng thuốc hóa học sẽ chết hoặc bị teo lại. Chuồng trại nuôi phải thoáng mát và khử khuẩn sạch sau đợt nuôi".

Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết, bình quân một tháng, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm.

Với giá kén thu mua dao động trong khoảng 120-170 ngàn đồng/kg thì mỗi hộ có lợi nhuận 4 triệu đồng/ sào/lứa sau khi trừ chi phí.

Trên địa bàn huyện có 3 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dâu tằm với quy mô hàng trăm ha. Huyện Chư Sê sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu, chú trọng xây dựng vùng sản xuất dâu tằm ứng dụng công nghệ cao.

Đây là tín hiệu tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo đối với người dân địa phương nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện Chư Sê .

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-lai-xa-ngheo-doi-thay-nho-mo-hinh-trong-dau-nuoi-tam-20424082011470424.htm
Zalo