Gia Lai vững bước đi lên cùng đất nước
Đã là người Việt Nam yêu nước thì ai cũng tự hào về một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc-Cách mạng Tháng Tám thành công gắn liền với sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Sự kiện lịch sử này đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.
Trong suốt 79 năm qua, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã giữ vững lời thề độc lập dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Với tinh thần đó, cả dân tộc đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh để lần lượt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập một cách toàn vẹn, thu giang sơn về một mối. Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), đặc biệt là sau 38 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Đúng như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Cùng với cả nước, sau 49 năm giải phóng, Gia Lai cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ đói nghèo, lạc hậu, đến nay, đời sống người dân trong tỉnh được cải thiện đáng kể với GRDP bình quân đầu người đạt 59,84 triệu đồng (năm 2023). Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%.
Từ một vùng chiến địa bị tàn phá do chiến tranh, Gia Lai đã vươn lên trở thành vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao với phương thức canh tác bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống người dân. Thành phố Pleiku vươn lên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh và là đô thị trung tâm vùng Bắc Tây Nguyên cũng như khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao… cũng có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, Gia Lai đã trở thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Là địa bàn chiến lược nên những năm qua, Gia Lai rất chú trọng đến lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Nhờ đó, an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm đúng mức và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tự hào về những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng cần nhận diện một số tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, thách thức để tìm giải pháp khắc phục. Đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh có dấu hiệu chững lại. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, GRDP chỉ tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kế hoạch; chậm đề xuất kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh và Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.
Đáng chú ý, một số sở, ngành, địa phương, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy chế làm việc, công tác phối hợp giải quyết công việc còn thiếu chặt chẽ, chậm đề xuất, chất lượng chưa cao… Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai.
Trong bối cảnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng sáng tạo và hành động quyết liệt để đạt kết quả cao nhất trong công việc, góp phần xây dựng tỉnh nhà phồn vinh, vững bước đi lên cùng đất nước.