Gia Lai: Vận động người dân vào buôn bán trong chợ gắn với xử lý tiểu thương vi phạm
Ia Hla là xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang trên đà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiền đề cho nông thôn mới (NTM). Để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế của người dân, năm 2020 UBND huyện Chư Pưh đã triển khai khảo sát, lấy ý kiến của chính quyền và bà con địa phương rồi đầu tư xây dựng chợ xã Ia Hla. Đến năm 2021, chợ được bàn giao cho xã quản lý khai thác và sử dụng.
Bước khởi đầu cho nông thôn mới
Đồng chí Lê Quang Thái - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, làm tiền đề để xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) tạo đà xây dựng và hoàn thiện chương trình NTM.
Việc đầu tư xây dựng công trình chợ trung tâm xã Ia Hla, ngay từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện, Huyện ủy, UBND huyện Chư Pưh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Do vậy, từ phương án quy hoạch đến thiết kế, thi công chợ đều chỉ đạo và triển khai cho các cơ quan chức năng thực hiện cụ thể, theo đúng kế hoạch, thời gian. Cùng với đó phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số địa phương trên tinh thần tiếp thu toàn bộ ý kiến để tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân kinh doanh, buôn bán hiệu quả. Tuy số vốn không nhiều, nhưng đây là công trình cấp thiết, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con các dân tộc trên địa bàn, góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng cơ sở bộ mặt nông thôn của xã Ia Hla nói riêng, huyện Chư Pưh nói chung như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu của huyện Chư Pưh lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ Ia Hla còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Vì vậy việc tuyên truyền vận động người dân, nhất là các tiểu thương vào buôn bán, trao đổi giao thương hàng hóa sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống, kích thích sản xuất, tạo dựng môi trường thương mại để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân. Cùng với đó cán bộ lãnh đạo chủ chốt của UBND huyện Chư Pưh cũng thường xuyên đến kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo cho cấp ủy, chính quyền xã Ia Hla kiên quyết xử phạt những hộ dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa thôn làng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chợ Ia Hla được xây vào năm 2020 trên tuyến đường liên huyện có vị trí thuận lợi cách trung tâm xã khoảng 200-300m. Chợ do Ban Quản lý dự án huyện Chư Pưh làm chủ đầu tư dự án.
Đến năm 2021, chợ được bàn giao cho xã quản lý khai thác và sử dụng. Chợ được xây dựng với kinh phí trên 3 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 430m2, được phân thành 40 lô bên trong nhà lồng và khu vực bán hàng tươi sống có mái che là 24 lô.
Từ ngày xây dựng và đưa vào hoạt động chợ Ia Hla, nhiều sản phẩm phong phú được bà con các dân tộc làm ra như: Hồ tiêu, cà phê, bắp (ngô), sắn (mì), khoai lang, lúa, gạo, cá, thịt… đặc biệt là các mặt hàng từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quần áo thổ cẩm bà con địa phương làm ra được giao thương, mua bán thuận lợi, người dân nhiều nơi tìm đến đây để mua bán hàng và tham quan các gian hàng truyền thống. Chợ Ia Hla thực sự là điểm đến hấp dẫn mua bán, trao đổi của bà con địa phương.
Để chợ Ia Hla hoạt động đúng hướng
Điểm khởi đầu thuận lợi cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Chư Pưh và xã Ia Hla cùng với những lợi thế như trên, chợ Ia Hla hứa hẹn tiềm năng phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của phương.
Tuy nhiên niềm vui chưa trọn, thời gian gần đây nhiều tiểu thương trong chợ đã tự ý bỏ ra ngoài buôn bán, thậm chí có người còn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bày bán hàng hóa. Việc làm sai trái này không chỉ gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Không để tình trạng vi phạm này kéo dài, ngày 24/9, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đã quyết định thành lập tổ kiểm tra quản lý hoạt động của chợ xã Ia HLa và giao cho ông Siu YBé - Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Rah Lan Hoen, Chủ tịch UBND xã Ia Hla cho biết: Từ khi chợ Ia Hla được xây dựng và đi vào hoạt động đã đạt được những thành công bước đầu, góp phần phát triển kinh tế của người dân. Nhiều người dân đã đến đây để buôn bán tiêu thụ nông sản và các mặt hàng làm ra của người dân, giao lưu văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã đã thành lập Ban Quản lý chợ, tổ tuyên truyền để vận động các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.
Để tranh giành khách hàng, nhiều tiểu thương đã không chấp hành qui định, tự ý bỏ ra buôn bán bên lòng lề đường đã được UBND xã vận động trở vào chợ, các hộ cố ý vi phạm sẽ bị UBND xã xử phạt hành chính.
Ngoài ra còn đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bà Trần Thị Thúy; hộ bà Đào Thị Dần, thôn Tai Pêr, xã Ia Hla, bán hàng tạp hóa và hàng tươi sông rau, qua, thịt heo, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT); hộ ông Đàm Văn Ngừng, thôn Tai Pêr, xã aI Hla, bán hàng tạp hóa và hàng tươi sống rau, quả, thịt heo, diện tích lấn chiếm hành lang ATGT... Tất cả các hộ này đều chưa có giấy cam kết an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Ph…ở thôn 3, xã Ia Hlốp, bán hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt, cá ở hành lang chợ (một trong 12 tiểu thương buôn bán trái qui định, lấn chiếm hành lang ATGT) nói: Được cán bộ xã vận động, hướng dẫn, giúp đỡ… tôi thấy việc bỏ chợ ra chiếm dụng hành lang bán hàng là sai, cũng vì lợi ích cá nhân, tranh giành khách hàng. Tôi xin nhận sai và dọn hàng vào lại trong chợ buôn bán như cũ.
Cũng tâm trạng như chị Ph… bà Nguyễn Thị Th… một tiểu thương buôn bán tại ngã tư thôn Tai Pêr cho biết: “Thời gian gần đây, trời mưa gió, buôn bán trong chợ rất ít người vào mua. Bà con địa phương đi qua đường, tiện đâu mua đó, muốn bán được hàng thì chúng tôi buộc phải “chiều theo khách hàng”. Xu thế đám đông, một người ra bán được hàng, thế là nhiều người khác cũng ra, cũng vi phạm qui định. Qua gặp và đối thoại với Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã và các ban, ngành chức năng, chúng tôi đã biết sai và sẽ cùng nhau trở lại những vị trí ban đầu, để chợ thực sự là chợ của dân”.
“Không những chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiên quyết, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy đã nhiều lần trực tiếp đến kiểm tra, nắm tình hình, gặp gỡ đối thoại và giải quyết những vướng mắc, động viên… mà còn triển khai cho chúng tôi tổ chức lực lượng ra quân tuyên truyền, vận động người dân và cả xem xét hỗ trợ kinh phí di dời, hoạt động, gắn với kiên quyết xử lý các tiểu thương cố ý vi phạm quy định. Đến nay nhiều hộ dân và tiểu thương đã vào lại trong chợ để buôn bán và có sự chuyển biến mới”, ông Rah Lan Hoen, Chủ tịch UBND xã Ia Hla cho chúng tôi biết thêm.
Chư Pưh một vùng đất phía Nam của Gia Lai ba ngày nay đã hết mưa. Nắng mới đã về với bà con địa phương nói chung, với xã Ia Hla, tiểu thương chợ Ia Hla nói riêng./.