Gia Lai tập trung thực hiện phòng- chống bệnh Dại
Ngày 6-2, UBND tỉnh Gia Lai có công văn số 269/UBND-NL về việc tập trung triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng- chống bệnh Dại.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương cho thấy công tác phòng- chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều tồn tại như: Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại, cách phòng- chống bệnh Dại cả trên người và vật nuôi còn rất hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, thiếu hiệu quả, chưa thực hiện truyền thông học đường theo chỉ đạo của UBND tỉnh; việc quản lý chó, mèo tại các địa phương còn rất lỏng lẻo; chưa kê khai hoạt động chăn nuôi, chưa lập sổ quản lý chó, mèo hoặc triển khai nhưng tỷ lệ đạt rất thấp; chưa cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng- chống bệnh Dại tại các huyện, thị xã, thành phố còn rất hạn chế, có địa phương nhiều năm liền không bố trí kinh phí thực hiện, trong khi đó việc xã hội hóa hoạt động tiêm phòng không được quan tâm đúng mức, hiệu quả không cao dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo của tỉnh còn rất thấp.
Theo thống kê, toàn tỉnh, hiện chỉ có 38 điểm tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng Dại trên người của tư nhân, không có điểm của Nhà nước, vì vậy người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư vấn, hướng dẫn điều trị dự phòng sau phơi nhiễm Dại; chưa thực hiện hỗ trợ chi phí điều trị dự phòng cho các đối tượng theo quy định;…
![UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng vắc xin Dại đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt tối thiểu 80% tổng đàn trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_425_51423897/b42f32170b59e207bb48.jpg)
UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng vắc xin Dại đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt tối thiểu 80% tổng đàn trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện
Trước tình hình đó, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng- chống bệnh Dại trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng- chống bệnh Dại
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, nhân, vật lực thực hiện công tác phòng- chống bệnh Dại năm 2025 và những năm tiếp theo, cùng với nguồn vắc xin được hỗ trợ từ ngân sách, cần tập trung đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng vắc xin Dại đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt tối thiểu 80% tổng đàn trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng cụ thể, kêu gọi cộng đồng dân cư hưởng ứng, hướng dẫn người dân cùng tham gia, phối hợp thực hiện để nâng cao tỷ lệ và hiệu quả tiêm phòng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi nói chung và nuôi chó, mèo nói riêng trên địa bàn theo quy định. Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn chó, mèo nuôi, số hộ và thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo tại địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí đầy đủ nguồn lực, phân công nhiệm vụ và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã trực thuộc triển khai thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 9-1-2024 của UBND tỉnh về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh truyền thông học đường về phòng- chống bệnh Dại; phối hợp Sở Y tế nâng cao khả năng tiếp cận điều trị dự phòng cho người dân trên địa bàn khi bị chó, mèo cào cắn, xây dựng ít nhất một cơ sở điều trị dự phòng tại mỗi địa bàn cấp huyện và điều trị miễn phí cho các đối tượng theo quy định.
![Tỉnh Gia Lai tăng cường công tác truyền thông phòng- chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_425_51423897/e85c75644c2aa574fc3b.jpg)
Tỉnh Gia Lai tăng cường công tác truyền thông phòng- chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đôn đốc, hướng dẫn cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên động vật; quản lý đàn chó mèo và triển khai tiêm phòng vắc xin dại trên động vật; điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai bao vây, khống chế, xử lý ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển chó, mèo ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc chia sẻ thông tin, truy vết, điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh Dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh Dại do chó, mèo cào, cắn.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương triển khai mua sắm vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng- chống dịch bệnh động vật năm 2025 trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch để hướng dẫn các địa phương triển khai tiêm phòng đạt hiệu quả, đúng đối tượng.
Đối với Sở Y tế, tập trung triển khai, tham mưu triển khai thực hiện đảm bảo đúng theo Chương trình Quốc gia, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng- chống bệnh Dại trên người tại địa bàn toàn tỉnh; nâng cao công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh Dại; phát huy quy chế phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh Dại.
Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện truyền thông học đường về phòng- chống bệnh Dại trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng- chống bệnh Dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng- chống bệnh Dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.