Gia Lai: Tăng cơ hội tiếp cận thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc đào tạo kỹ năng và kiến thức kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Gia Lai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành thương mại điện tử phát triển.
Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là sân chơi của các "ông lớn" mà còn mở ra cơ hội rộng lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) hiện thực hóa ước mơ vươn xa.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký, Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thị phần giá trị giao dịch của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 166,49 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Shopee chiếm thị phần cao nhất với 116,12 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 là TikTok Shop với 37,6 nghìn tỷ đồng, Lazada 11,19 nghìn tỷ đồng, Tiki 1,58 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, để thu hút người dùng, các nền tảng mua sắm trực tuyến không ngừng phát triển và đưa ra nhiều giải pháp mua sắm thông minh, tiện lợi, mang đến nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng, nhờ đó giúp các nền tảng thu hút được lượng lớn khách hàng mới ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sự gia tăng lượng người dùng này tạo ra một thị trường rộng lớn, mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, giảm thiểu chi phí mặt bằng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù thương mại điện tử hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của kênh bán hàng này. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức chuyên sâu về thương mại điện tử. Các doanh nghiệp chưa nắm vững quy định của các sàn, chưa khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến.
Nhận thức rõ những tồn tại trên, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục. Do đó, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn “Đào tạo khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và kiến thức livestream” cho hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các giảng viên truyền đạt một số nội dung về tình hình thương mại điện tử hiện nay; khuôn khổ pháp lý trong kinh doanh thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bước triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong khởi sự kinh doanh; giới thiệu mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến và thành công hiện nay; đánh giá mức độ phù hợp của các mô hình với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các giảng viên đã tập trung hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh những công việc cần chuẩn bị cho việc khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử như: lựa chọn sản phẩm kinh doanh; trang bị kiến thức; xây dựng kịch bản thu hút khách hàng tiềm năng; xây dựng quy trình, chính sách bán hàng, xử lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đặc biệt, trong ngày tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn được nghe những chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời được hướng dẫn thực hành livestream sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok…
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, lớp tập huấn giúp các chủ doanh nghiệp tại địa phương nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp trên điện thoại thông minh. Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đối với chủ doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, việc hướng dẫn trực tiếp cách thức bán hàng trực tuyến (livestream), xây dựng các gian hàng trên nền tảng số sẽ giúp cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tăng thêm cơ hội kết nối giao thương và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn tại địa phương.