Gia Lai: Quy định mức chi trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành quyết định về quy định chi tiết mức chi đảm bảo cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Suối Hội Phú tại thành phố PleiKu hình thành sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Suối Hội Phú tại thành phố PleiKu hình thành sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/1/2025, được xây dựng dựa trên khoản 8 Điều 27 của Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ, quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Quy định mới đặt ra các mức chi cụ thể nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách hiệu quả và minh bạch. Trong đó, mức chi cho việc tổ chức họp phổ biến chính sách pháp luật với các hộ dân có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản trong khu vực dự án là 200.000 đồng mỗi người mỗi ngày. Đây là khoản chi dành cho việc tuyên truyền, phổ biến chính sách và lắng nghe ý kiến từ phía người dân, cũng như vận động các bên liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất.

Ngoài ra, chi phí dành cho việc điều tra, khảo sát, kiểm đếm và đo đạc hiện trạng cũng được quy định ở mức tương tự. Công tác này bao gồm thống kê, phân loại diện tích đất, xác định nguồn gốc đất và tài sản gắn liền, cũng như việc lập, thẩm định và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mọi bước từ tính toán đến phê duyệt phương án đều được đảm bảo thực hiện minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, chi phí tổ chức thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, quá trình này còn bao gồm việc hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc phát sinh. Tương tự, mức chi cho các hoạt động này cũng được áp dụng ở mức 200.000 đồng mỗi người mỗi ngày, trong khi mức chi thuê nhân công phục vụ công tác này được quy định là 300.000 đồng mỗi người mỗi ngày.

Đối với các chi phí liên quan khác, như đăng báo, phát sóng trên đài phát thanh hoặc truyền hình, thuê máy móc, thiết bị phục vụ công tác bồi thường, và các chi phí in ấn, văn phòng phẩm, xăng xe, thông tin liên lạc, tất cả sẽ được thực hiện theo thực tế phát sinh. Quyết định yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Đồng thời, quy định rõ mức chi cho công tác tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi đất. Các hoạt động này bao gồm việc thông báo, tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện quyết định cưỡng chế, quay phim, chụp ảnh phục vụ cho quá trình cưỡng chế, và bảo vệ chống tái chiếm đất sau cưỡng chế. Mức chi được áp dụng là 200.000 đồng mỗi người mỗi ngày. Đối với các khoản chi khác, như mua nguyên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, tháo dỡ tài sản, vận chuyển và bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế, tất cả sẽ được tính theo thực tế, với điều kiện phải có đầy đủ hóa đơn và chứng từ hợp lệ.

Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai là cơ sở pháp lý minh bạch và rõ ràng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp quá trình thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, công bằng và hiệu quả.

Bá Tứ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/gia-lai-quy-dinh-muc-chi-trong-cong-tac-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-392974.html
Zalo