Gia Lai: Phụ nữ DTTS nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Việc khai thác và phát huy nghề dệt thổ cẩm theo hướng du lịch của các câu lạc bộ, tổ liên kết… ở Gia Lai đã mở ra hướng đi mới, mang đến hiệu quả kép, vừa bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, vừa đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.

 Người dân và du khách được trải nghiệm quy trình đan sợi, dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở Gia Lai tại các phiên chợ.

Người dân và du khách được trải nghiệm quy trình đan sợi, dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở Gia Lai tại các phiên chợ.

Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một, bởi thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề, với những bộ trang phục truyền thống của dân tộc, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho các chị em, mở lớp dạy nghề…Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, các cấp Hội phụ nữ đã liên tục thành lập các tổ liên kết, câu lạc bộ (CLB)…, nhờ vậy nghề dệt thổ cẩm ở Gia Lai dần "sống lại", có thương hiệu riêng.

Dù mới được thành lập hơn 2 năm nay, song Tổ liên kết "đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng" do Hội LHPN xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (Gia Lai) triển khai đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách về nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Jrai. Tổ liên kết rất phấn khởi khi đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan trải nghiệm. Khi tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình tạo ra tấm vải thổ cẩm độc đáo, màu sắc tinh tế, bắt mắt.

Phụ nữ DTTS ở Gia Lai nỗ lực giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Phụ nữ DTTS ở Gia Lai nỗ lực giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Được biết, xã Ia Mơ Nông có 80% dân số là người Jrai. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu buôn bán rượu ghè, đan lát, dệt thổ cẩm theo quy mô nhỏ lẻ là cá nhân, hộ gia đình. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, từ khi Tổ liên kết "đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng" được thành lập, bà con đón được nhiều du khách đến tham quan. Từ đó đưa nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác, có thêm thu nhập cho gia đình.

Các thành viên Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” Ia Mơ Nông cùng chỉ bảo nhau cách tạo ra những tấm vải thổ cẩm độc đáo, bắt mắt.

Các thành viên Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” Ia Mơ Nông cùng chỉ bảo nhau cách tạo ra những tấm vải thổ cẩm độc đáo, bắt mắt.

Bà H'Uyên Niê - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông - đánh giá: "Tổ liên kiết "đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng" đã tạo được ấn tượng lớn đối với du khách và tăng thêm thu nhập cho các thành viên là đồng bào Jrai. Các chị em luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm và thử tài khéo léo của mình. Theo đó, Tổ liên kết hoạt động có quy chế, kết nối các nghệ nhân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm. Ngoài ra, các sản phẩm bà con làm ra được đưa về một mối là Tổ liên kết để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho bà con".

Tương tự, CLB dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai), là nơi bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Được thành lập từ năm 2022, CLB hiện có 23 thành viên với 23 khung dệt, duy trì hoạt động thường xuyên. Để thuận lợi cho việc dệt thổ cẩm của các thành viên, khung dệt sẽ được đặt tại câu lạc bộ và ở nhà riêng. Việc thành lập CLB có ý nghĩa trong dạy và truyền nghề, thu hút thế hệ trẻ tham gia, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung không những là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo tiền để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển nghề truyền thống của người Jrai mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ người Jrai ở làng Phung.

Nghệ nhân Pel - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt làng Phung - cho biết: "Chúng tôi tập hợp những phụ nữ giỏi tay nghề nhất của làng để tham gia CLB. Mọi người đều nghiêm túc, tâm huyết, tập trung tạo ra các sản phẩm dệt thật đẹp, nhưng vẫn có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trong quá trình tạo ra các sản phẩm, chúng tôi thường xuyên trao đổi, tìm tòi, đổi mới chất liệu để thổ cẩm có sự mềm mại, mang tính ứng dụng cao, phợp với nhu cầu của khách, thích hợp sử dụng hàng ngày".

Cũng theo nghệ nhân Pel, thời điểm thành lập CLB cũng khánh thành phòng trưng bày các sản phẩm dệt. Dưới sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ sĩ, không gian trưng bày được sắp đặt mang tính nghệ thuật để tôn vinh giá trị đặc sắc của nghề truyền thống và các nghệ nhân góp phần truyền giữ, bảo tồn nghề dệt. CLB dệt và phòng trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống sẽ góp phần khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương…

Phòng trưng bày các sản phẩm dệt của CLB Dệt làng Phun, xã Biển Hồ.

Phòng trưng bày các sản phẩm dệt của CLB Dệt làng Phun, xã Biển Hồ.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Pleiku (Gia Lai) - cho hay: "Các mô hình được thành lập trong khuôn khổ đề tài, đã tập hợp được đội ngũ nghệ nhân giỏi để cùng nhau truyền nghề, bảo tồn các giá trị đặc sắc của nghề truyền thống, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. Từ khi ra mắt Phòng trưng bày đến nay, CLB Dệt làng Phung đã bán được nhiều sản phẩm. Đây là những mô hình thiết thực, đúng với định hướng của TP Pleiku về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Theo thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh Gia Lai có 106 câu lạc bộ dệt thổ cẩm, với hơn 1.600 phụ nữ tham gia. Trong đó tập trung ở các địa phương như huyện Chư Păh, Phú Thiện, Kông Chro, TP Pleiku... Số lượng câu lạc bộ dệt thổ cẩm ngày càng tăng đã khẳng định được vai trò của phụ nữ Gia Lai, đặc biệt phụ nữ DTTS trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai luôn quan tâm, tạo điều kiện để chị em được tham quan, học hỏi, nâng cao tay nghề. Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề dệt thổ cẩm không chỉ mang đặc trưng giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập mà còn thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc khai thác và phát huy nghề dệt thổ cẩm theo hướng du lịch của các câu lạc bộ đã mở ra hướng đi mới, mang đến hiệu quả kép, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, mới đây tỉnh Gia Lai đã đưa dệt thổ cẩm thành nội dung quan trọng trong Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hiện sản phẩm thổ cẩm được trưng bày, giới thiệu trong các chương trình trình diễn cồng chiêng cuối tuần, tổ chức thường xuyên tại Quảng trường Đại đoàn kết, trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai).

Gia Hân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-lai-phu-nu-dtts-no-luc-bao-ton-va-phat-huy-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-20241203002510949.htm
Zalo