Gia Lai: Nhiều vướng mắc trên tuyến đường nghìn tỷ khiến việc thi công bị gián đoạn

Mặc dù chỉ còn 5 tháng là hoàn thành dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (tỉnh Gia Lai), tuy nhiên đến thời điểm hiện tại địa phương vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Bên cạnh vướng mắc trên, dự án còn thiếu lượng đất đắp lớn khiến cho việc thi công bị gián đoạn.

Được biết, dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 425 tỷ đồng), dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025 do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc điển hình là công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, dự án đường tránh nghìn tỷ đi qua phạm vi 3 huyện gồm: TP Pleiku, Đăk Đoa và Chư Păh. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chỉ có huyện Đăk Đoa đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 2 địa phương còn lại vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

 Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông có chiều dài toàn tuyến là 15,14 km

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông có chiều dài toàn tuyến là 15,14 km

Cụ thể, đoạn đi qua địa bàn TP Pleiku dài hơn 4,5 km, phạm vi thu hồi đất qua địa bàn 2 xã gồm: An Phú và Biển Hồ với tổng diện tích đất bị thu hồi là hơn 150.000m2. Dự án phải di dời nhiều ngôi mộ trên địa bàn xã Biển Hồ và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay địa phương mới bàn giao cho đơn vị thi công được 76%, hiện còn đến 31 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường.

Riêng đoạn qua địa bàn huyện Chư Păh, công tác giải phóng mặt bằng mới đạt hơn 50%. Hiện còn hơn 1,4km chưa phê duyệt được phương án đền bù do đang gặp vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất.

 Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Biển Hồ vẫn chưa thống nhất phương án bồi thường

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Biển Hồ vẫn chưa thống nhất phương án bồi thường

Cụ thể, đoạn điều chỉnh hướng tuyến do điều chỉnh điểm đấu nối với đường Hồ Chí Minh tại Km1588+200 thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, hiện đoạn đấu nối này chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Chư Păh. Vì vậy, chưa đủ điều kiện để triển khai các thủ tục thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.

Ngoài công tác giải phóng mặt bằng, dự án đường nghìn tỷ còn gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn đất đắp phục vụ công trình. Theo đó, dự án có nhu cầu sử dụng lượng đất đắp lớn khoảng 250.000m3 (trong đó khoảng 140.000m3 đất K95 và 110.000m3 đất K98).

 Ngoài vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dự án còn thiếu lượng đất đắp lớn

Ngoài vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dự án còn thiếu lượng đất đắp lớn

Trước đó, được sự hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh Gia Lai về việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp, UBND TP Pleiku và huyện Đak Đoa đã chấp thuận phương án cải tạo, sử dụng đất được 7 vị trí. Cụ thể, khối lượng đất dôi dư xin đưa vào làm đất san lấp phục vụ cho dự án khoảng 210.000m3. Các vị trí này đã được sử dụng một phần để thi công công trình.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2024, Sở này lại có văn bản bãi bỏ các văn bản trước đây về việc hướng dẫn sử dụng nguồn đất san lấp cho các dự án. Sau đó, UBND các huyện đã yêu cầu dừng cải tạo đất tại tất cả vị trí đã chấp thuận, vì vậy dự án lại gặp vướng mắc, không có nguồn đất để đắp. Công trình phải tạm dừng thi công các hạng mục nền đường, chỉ thi công được một số hạng mục như cầu, cống.

Theo ghi nhận của PV, với những vướng mắc trên đã khiến cho việc thi công bị gián đoạn, cầm chừng. Dự án có nguy cơ cao bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện.

 Một 1km hiếm hoi thuộc dự án được đổ lớp cấp phối đá dăm

Một 1km hiếm hoi thuộc dự án được đổ lớp cấp phối đá dăm

Theo ông Phạm Xuân Điệp – Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, Đường hành lang kinh tế phía Đông là dự án trọng điểm, kết nối liên vùng được Trung ương hỗ trợ vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay thời gian thi công theo hợp đồng chỉ còn khoảng 5 tháng, nếu không có các giải pháp cấp bách tháo gỡ vướng mắc thì không thể triển khai thi công, không thể hoàn thành được dự án theo kế hoạch được giao, cũng như dự án có nguy cơ bị cắt vốn, hủy vốn.

"Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Ban đã đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT xem xét, có cơ chế đặc thù cho phép dự án được thực hiện theo phương án sử dụng nguồn đất dôi dư từ các vị trí cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp của người dân để thi công công trình. Đối với các vị trí đã chấp thuận phương án cải tạo, đề nghị UBND các huyện cho phép tiếp tục được cải tạo, sử dụng theo phương án đã được chấp thuận.

Đối với vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, việc chờ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện sẽ không kịp tiến độ thực hiện dự án, đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Chư Păh cho phép triển khai các thủ tục thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng và sẽ cập nhật quy hoạch sử dụng đất trong đợt điều chỉnh quy hoạch gần nhất", ông Điệp thông tin thêm.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-nhieu-vuong-mac-tren-tuyen-duong-nghin-ty-khien-viec-thi-cong-bi-gian-doan-post328649.html
Zalo