Gia Lai: cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp với công nghệ nuôi cấy mô
Với công nghệ nuôi cấy mô, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học lâm nghiệp Thái Xuân Biên (tỉnh Gia Lai) đã không ngừng đổi mới, nghiên cứu để tạo ra nhiều giống cây lâm nghiệp chất lượng.
Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp tại nhiều địa phương đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những vấn đề nổi cộm là chất lượng cây giống được ươm mầm theo phương pháp truyền thống không đồng đều, dễ nhiễm bệnh và sinh trưởng chậm, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả trồng rừng. Nhận thấy những bất lợi này, ông Thái Xuân Biên - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học lâm nghiệp Thái Xuân Biên (xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), xuất phát từ kinh nghiệm một nông dân trồng rừng, đã quyết tâm tìm ra giải pháp mới để cải thiện tình hình.

Ông Thái Xuân Biên - Giám đốc Công tyCông ty cổ phần Công nghệ sinh học lâm nghiệp Thái Xuân Biên. Ảnh NVCC
Theo đó, với mong muốn nâng cao chất lượng cây giống, ông Biên đã không ngại lặn lội đến nhiều địa phương có nền lâm nghiệp phát triển để học hỏi kinh nghiệm. Ông còn tìm đến các trung tâm nghiên cứu, các vườn ươm hiện đại để tìm hiểu về các phương pháp nhân giống tiên tiến.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, ông Biên nhận thấy công nghệ nuôi cấy mô là hướng đi đầy triển vọng, có thể giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp truyền thống.
Không dừng lại ở việc học hỏi, ông Biên quyết định đầu tư xây dựng một cơ sở nuôi cấy mô ngay tại địa phương. Theo ông Biên, ban đầu, việc triển khai gặp không ít khó khăn do thiếu kỹ thuật viên có chuyên môn và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, ông đã phối hợp với các chuyên gia để chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực tại chỗ. Dần dần, những lô cây giống nuôi cấy mô đầu tiên đã được sản xuất thành công.

Cũng theo ông Thái Xuân Biên, so với phương pháp truyền thống, cây giống từ nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội: sinh trưởng nhanh, sức đề kháng cao, sản phẩm đồng nhất, chất lượng đồng đều và đặc biệt là rút ngắn thời gian gieo trồng. Năng suất tăng từ 15 - 30% so với giống gốc. Nhờ đó, các hộ trồng rừng trong vùng đã có cơ hội tiếp cận nguồn giống chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

Chăm sóc cây giống tại vườn ươm của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học lâm nghiệp Thái Xuân Biên
Hành trình của ông Biên - từ một nông dân trồng rừng truyền thống đến tiên phong áp dụng công nghệ nuôi cấy mô là một câu chuyện đầy cảm hứng. Không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất trồng rừng, mà còn góp phần mở ra hướng đi mới cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy nền lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững hơn.