Giá khí tự nhiên thế giới tăng vọt hơn 10%
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua (3/2), sắc xanh bao phủ thị trường năng lượng.
Đáng chú ý, giá hai mặt hàng dầu thô tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng vọt trong bối cảnh thời tiết vẫn còn khắc nghiệt tại Mỹ.
Cụ thể, giá dầu thô WTI nhích nhẹ 0,87%, lên mức 73,16 USD/thùng; giá dầu Brent ổn định ở mức 76,76 USD/thùng. Giá khí tự nhiên tăng vọt 0,31 cent khoảng 10,12% lên mức 3,35 USD/MMBtu.
Trước khi ông Trump tạm dừng áp thuế mới lên Mexico trong một tháng, sau khi Mexico đồng ý tăng cường an ninh biên giới phía bắc nhằm xoa dịu vấn đề về fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, trong phiên, giá dầu đã có thời điểm tăng hơn 1 USD/thùng. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, xuất khẩu từ Canada và Mexico chiếm khoảng 1/4 lượng dầu mà các nhà máy lọc dầu của Mỹ chuyển đổi thành nhiên liệu như xăng và dầu sưởi.
Theo kết quả khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng, trong tháng 1, hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất đã tăng lên 50,9, mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, đồng thời cao hơn 1,7 so chỉ số tháng 12/2024. Tuy nhiên, những sự phục hồi này có thể không kéo dài do thuế quan của ông Trump có thể làm tăng giá nguyên liệu thô và gây rối loạn chuỗi cung ứng.
Hôm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí duy trì chính sách tăng dần sản lượng dầu từ tháng 4 và loại Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ khỏi các nguồn được sử dụng để giám sát sản lượng và việc tuân thủ các hiệp ước cung cấp dầu.
Mới đây Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã bày tỏ lo ngại về việc chính sách thuế quan của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, nên FED không điều chỉnh lãi suất cho kỳ điều hành gần nhất. Đồng thời cảnh báo lạm phát cao hơn có thể thúc đẩy FED tăng lãi suất để chống lại giá cả tăng cao. Điều đó có thể làm giảm nhu cầu năng lượng bằng cách tăng chi phí vay và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Giá khí đốt đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 ngày qua do dự báo nhiệt độ tại Mỹ sẽ lạnh hơn, thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên. Mặc khác, nguồn cung khí đốt tự nhiên của Mỹ đang bị thắt chặt cũng hỗ trợ giá. Báo cáo hàng tồn kho EIA cho thấy, lượng khí đốt tự nhiên của nước này tính đến ngày 24/1 thấp hơn 4,1% so mức trung bình cùng kỳ 5 năm và là lần đầu tiên nguồn cung thấp hơn mức trung bình năm năm trong 2 năm.
Tại Châu Âu, lượng khí đốt lưu trữ tính đến 28/1 mới lấp đầy 55%, thấp hơn mức trung bình theo mùa trong 5 năm là 62%. Điều này khiến giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng qua.