Già hóa dân số và nỗi lo 'chưa giàu đã già'

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn như mức sinh thấp nhất lịch sử, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng và quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tỷ suất sinh giảm là một trong ba yếu tố quan trọng (cùng với tuổi thọ tăng và di cư) dẫn đến già hóa dân số. Đây không chỉ là vấn đề nhân khẩu học, mà còn là bài toán tác động đến sự ổn định về xã hội - kinh tế của một quốc gia.

Mức sinh đang thấp nhất lịch sử

Thực tế, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 16%. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á; thời gian chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già ngày càng ngắn hơn so với các quốc gia khác. Trong một cuộc khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 73% số lao động độc thân cho biết nguyên nhân chính khiến họ chưa lập gia đình do thu nhập không đủ để đảm bảo cuộc sống. Hơn 50% người lao động đã lập gia đình không hoặc chưa muốn sinh con hoặc có thêm con vì lý do số tiền kiếm được hàng tháng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Nguyên nhân dân số già hóa với tốc độ rất nhanh so với các quốc gia trong khu vực cũng bởi lý do này, dẫn đến tỷ lệ sinh so với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng chênh lệch.

Già hóa dân số làm cho cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi. Trong khi đó, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, đạt mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này sẽ dựa vào phần lớn lực lượng đang ở độ tuổi lao động.

Theo GS. Dwight Perkins (Đại học Harvard) và TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng năng suất. Để có tăng trưởng GDP cao thì tốc độ tăng năng suất tổng hợp (TFP) cũng phải cao một cách tương ứng. Khoảng 20 năm trước, lực lượng lao động của Việt Nam tăng trung bình 2% mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay con số này chỉ còn khoảng 0,5% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm do dân số già hóa. Trong giai đoạn 2019 - 2030, để GDP của Việt Nam tăng 5%, TFP cần tăng trung bình 2,4% mỗi năm. Trong trường hợp để GDP tăng trưởng 7%, đòi hỏi TFP tăng 4% và cũng là mức cao so với hiện tại. Để bù đắp cho sự suy giảm lực lượng lao động, Việt Nam buộc phải nâng cao TFP và điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Già hóa dân số làm cho cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi

Già hóa dân số làm cho cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi

Kết hợp hỗ trợ tài chính, phúc lợi xã hội

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) nhận định, tỷ lệ giảm sinh tại Việt Nam chưa đến mức báo động nhưng nếu không can thiệp ngay sẽ trở thành một vấn đề quan trọng. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số và có hiệu lực ngay khi được thông qua. Theo pháp lệnh mới, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng.

Bên cạnh đó, theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội cho biết, hiện, Việt Nam đang làm rất tốt việc miễn học phí cho học sinh nhưng điều đó vẫn chưa đủ bởi việc nuôi dạy một đứa trẻ còn rất nhiều chi phí khác. Nhà nước cần sớm điều chỉnh chính sách, hỗ trợ phụ nữ và các gia đình trẻ nhiều hơn nhằm khuyến khích sinh con và nuôi dạy thế hệ tương lai. Một số chuyên gia khác khuyến nghị, để chính sách khuyến khích sinh con thực sự hiệu quả, cần có cách tiếp cận toàn diện, kết hợp hỗ trợ tài chính, phúc lợi xã hội và cải thiện môi trường lao động. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện với gia đình như linh hoạt thời gian làm việc, hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc, để phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình... từ đó tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển dân số và kinh tế trong tương lai.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần “đánh thức” thế hệ trẻ ngay từ bây giờ để họ ý thức được phải làm gì trước khi trở thành người cao tuổi.

Cùng chung nhận định này, TS. Đinh Huy Dương, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, cần có biện pháp tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người trẻ. Trước tiên cần có những chính sách để khuyến khích người trẻ có những cái chuẩn bị tích cực cho tương lai, ví dụ như là đào tạo, là việc làm, là cơ sở hạ tầng, nơi làm việc tốt cho càng nhiều bạn trẻ tham gia vào lực lượng lao động, đóng góp cho xã hội, tích lũy cho bản thân.

Ái Nhiên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gia-hoa-dan-so-va-noi-lo-chua-giau-da-gia-167325.html
Zalo