Già hóa dân số tăng nhanh, cần phát triển nhân lực y tế ngành lão khoa

Việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi.

Trong 2 ngày 4-5/10/2024, Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V. Một trong những nội dung được các chuyên gia tập trung thảo luận lần này là vấn đề phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỉ lệ người cao tuổi có thể đạt 16,8% vào năm 2029. Theo thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.

Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

"Việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi" – PGS.TS Nguyễn Trung Anh nói.

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ về định hướng phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa.

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ về định hướng phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa.

Chia sẻ về định hướng phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa, PGS.TS Nguyễn Trung Anh nêu rõ, nguồn nhân lực lão khoa ở Việt Nam còn thiếu về mặt số lượng, chưa đảm bảo yêu cầu cần có khoa lão hoặc giường điều trị bệnh nhân lão khoa ở tuyến tỉnh. Do đó cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành lão khoa bao gồm các bác sĩ, các điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên xã hội chăm sóc người cao tuổi.

Về chương trình đào tạo thì các trường đại học y lớn trong cả nước cần thống nhất chương trình đào tạo chung. Trường Đại học Y Hà Nội đã có nội dung đào tạo lão khoa cho sinh viên y khoa, đã đào tạo các đối tượng bác sĩ nội trú, cao học, chuyên khoa cấp II, tiến sĩ chuyên ngành lão khoa.

Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực và phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên ngành lão khoa cho bệnh viện các tuyến trên cả nước. Việc cung ứng dịch vụ cho người cao tuổi cũng cần được quan tâm, các kỹ thuật mới phê duyệt nếu được bảo hiểm y tế chi trả sẽ giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu Bộ Y tế sửa một số thông tư để phù hợp hơn với thực tế yêu cầu về dịch vụ y khoa trong điều trị, chăm sóc y tế người cao tuổi. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành như Y tế, LĐ-TBXH, các chế độ an sinh xã hội, các chính sách cho người cao tuổi sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới" - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương thông tin.

Người cao tuổi Việt Nam mắc nhiều bệnh phối hợp, sống thọ nhưng chưa khỏe

Chia sẻ bên lề hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trung Anh cho biết thêm, trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh.

Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.

Trong khi đó, ở nhiều nước Châu Âu và Mỹ, người 80 tuổi vẫn khỏe, vẫn tập thể dục, thể thao hàng ngày. Và từ rất sớm, các nước này đã tập trung vào vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Họ chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, họ có điều kiện giáo dục cho người cao tuổi biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình.

Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) là "Già hóa trong sự tôn nghiêm: Tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi trên toàn thế giới". Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự hỗ trợ toàn diện cho người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V, các chuyên gia tập trung thảo luận về chính sách về xây dựng, phát triển hệ thống lão khoa và cập nhật những hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, chia sẻ thông tin về việc xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa, phát triển nhân lực trẻ tại Việt Nam, thảo luận về hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi với sự tham gia của Công tác xã hội và Điều dưỡng lão khoa.

Bên cạnh đó là những thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị, chăm sóc các bệnh lý mạn tính, cấp tính của người cao tuổi (sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp, huyết học, bệnh thận mạn…) cũng như cách tiếp cận và điều trị đa mô thức trên người cao tuổi giúp ích cho các cán bộ y tế trong thực hành lâm sàng chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-hoa-dan-so-tang-nhanh-can-phat-trien-nhan-luc-y-te-nganh-lao-khoa-169241004214710148.htm
Zalo