Già hóa dân số ở Mỹ Latinh: Thách thức và cơ hội
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện phải đối mặt với thách thức về già hóa dân số - vốn đang là một trong những hiện tượng nhân khẩu học chính của xã hội hiện đại.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) của Liên hợp quốc, do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, đến năm 2024 sẽ có 95 triệu người từ 60 tuổi trở lên sống ở Mỹ Latinh và Caribe, chiếm 14,2% tổng dân số. Con số này sẽ tăng lên 114 triệu người, chiếm 16,6% tổng dân số, vào năm 2030. Trong đó, dự báo nhóm người từ 80 tuổi trở lên sẽ tăng từ 12,5 triệu người vào năm 2024 lên 16,3 triệu người vào năm 2030.
Chuyên gia Cecchini của ECLAC cho biết, sự già đi của dân số và việc giảm quy mô gia đình đang đặt ra những thách thức cho các chính sách công về bảo vệ xã hội, y tế cũng như thị trường lao động, nơi nhiều người cao tuổi vẫn hoạt động sau tuổi nghỉ hưu do lương hưu không đủ và thiếu các nguồn thu nhập khác. Do vậy, để đối phó với dân số già hóa ở Mỹ Latinh, mối quan tâm chính của các chính phủ là thực hiện các cải cách, như cải cách chế độ lương hưu, mà không ảnh hưởng xấu đến các biến số kinh tế vĩ mô thường đảm bảo tính bền vững về tài chính.
Hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh đã chứng minh được thành công trong việc giảm thâm hụt tài chính và duy trì khả năng tồn tại của các tài khoản công. Ví dụ, Uruguay và Chile có 90% và 85% dân số trên 65 tuổi được hưởng chế độ lương hưu đóng góp (do người lao động đóng góp) hoặc không đóng góp (do người sử dụng lao động đóng), trong khi tỷ lệ nghèo đói vẫn dưới 3% trong lĩnh vực này. Đồng thời, các chính phủ đã duy trì mức thâm hụt tài chính và nợ thấp trong khi vẫn duy trì các biến số kinh tế vĩ mô tốt, rủi ro quốc gia thấp và tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại Brazil và Argentina, 93% và 85% dân số trên 65 tuổi được hưởng chế độ lương hưu đóng góp hoặc không đóng góp, trong khi tỷ lệ nghèo đói vẫn ở mức dưới 7% và 3%. Vấn đề phát sinh từ thâm hụt ngân sách cao đang đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô của các quốc gia vào tình trạng nguy hiểm. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở các nền kinh tế nhỏ hơn như Bolivia.
Ngoài các vấn đề liên quan đến thâm hụt ngân sách, các quốc gia này còn phải vật lộn với mức nợ cao, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng các hậu quả tiềm ẩn, như đã được chứng minh trong các tiền lệ lịch sử. Trong khi việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế lớn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các khoản nợ, thì sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại gây ra mối đe dọa đối với hiệu suất xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung ở các quốc gia này.
Tuy nhiên, về mặt cơ hội, dân số già cũng thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ, tạo ra cơ hội đáng kể cho cả thị trường toàn cầu và địa phương. Khi đó, “nền kinh tế bạc” - được định nghĩa là một phần của nền kinh tế tập trung vào nhu cầu của người cao tuổi, bao gồm các cơ hội trong các lĩnh vực như y học từ xa, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, hệ thống nhà thông minh, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc tại nhà... sẽ phát triển. Cách tiếp cận này cũng thúc đẩy quá trình lão hóa lành mạnh và năng động.