Giá hạt điều biến động, doanh nghiệp cần giao dịch thận trọng
Hạt điều vừa qua là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, toàn ngành điều Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi tiếp nhận phản ảnh của một số đối tác về chất lượng hạt điều khi xuất khẩu.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), ngành điều nói riêng và ngành hạt nói chung đã trải qua 6 tháng đầu năm 2023 với nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan do ảnh hưởng từ chiến tranh, lạm phát toàn cầu cũng như việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở nhiều thị trường.
Trong 6 tháng, ngành điều đã xuất khẩu được gần 280.000 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 9,5% về lượng và tăng 7,65% về giá trị. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ.
Ông Bạch Khánh Nhật, Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS, lưu ý, việc xuất khẩu tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều vào cao điểm thu hoạch điều thô và kỹ thuật phơi, bảo quản sau thu hoạch tại vùng nguyên liệu điều có nơi chưa phù hợp. Bên cạnh đó quá trình xuất hàng chậm, buộc lưu kho nên một số lô hàng phát sinh vấn đề về độ ẩm, côn trùng sống…
Về điều nhân, giá đang khá cạnh tranh với các loại hạt khác và sản lượng dồi dào, các nhà bán lẻ trên phạm vi toàn cầu đang đẩy mạnh nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm. Tuy nhiên, với tư duy “bắt đáy” khách hàng đang có nhu cầu mua giao xa đến Quý 1/2024 nên giá điều cũng được điều tiết liên tục và có sự chênh lệch lớn giữa nhóm nhà máy có thương hiệu, uy tín và nhà máy cấp dưới.
Từ nay đến cuối năm, giá điều sẽ khó tăng trở lại, do sản lượng tồn kho nhiều. Trong khi đó chỉ 5% số lượng điều được xuất dạng chế biến sâu nên việc chủ động dự báo, điều phối giá khó khả quan.
Giá điều đến năm 2024 được cho rằng sẽ có nhiều biến động. Do đó, doanh nghiệp cần có những thận trọng trong giao dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS, ông Bạch Khánh Nhật cho biết: "Nếu những nước khác mất mùa, hụt nguyên liệu thì lúc đó giá điều nhân mới sôi nổi, mà làm kinh doanh thì phải chủ động. Chúng tôi chỉ còn một cách là luôn động viên, vận động các hội viên bắt đầu từ những thời điểm này là kêu gọi nhà xuất khẩu, các nhà máy Việt Nam tập trung mạnh hơn, đi vào chế biến sâu để có thể tăng giá trị lên, từ đó chúng ta bù lại số lượng hàng phải xuất thô với giá thấp".