Giá gạo tăng cao, nhưng chỉ có một số cổ phiếu ngành này tăng giá
Cung cầu gạo mất cân đối khiến giá gạo trên toàn cầu tăng cao, dẫn đầu là gạo Việt Nam, nhưng trên sàn chứng khoán, chỉ có một số cổ phiếu ngành này tăng giá.
Xuất khẩu gạo khởi sắc
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, cao hơn so với giá gạo của Thái Lan và Pakistan, trong khi 1 tháng trước có giá thấp hơn nhiều.
Tính đến ngày 20/8/2024, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 578 USD/tấn, cao hơn 15 USD/tấn so với gạo Thái Lan và cao hơn 36 USD/tấn so với gạo Pakistan. Giá gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 541 USD/tấn, cao hơn lần lượt 27 USD/tấn và 28 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan.
Có thời điểm, giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, sang Hà Lan đạt 857 USD/tấn; xuất khẩu sang các nước Ukraine, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ có mức giá trung bình khoảng 838 USD/tấn.
Nguyên nhân giá gạo tăng đến từ sự mất cân đối giữa cung và cầu. Thương mại gạo toàn cầu tiếp tục bị hạn chế bởi lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới), trong khi vụ lúa Hè - Thu sắp kết thúc và vụ lúa Thu - Đông sắp tới không phải là mùa thu hoạch chính, dẫn đến nguồn cung giảm.
Về phía cầu, Chính phủ Philippines đưa ra chính sách giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống 15% từ tháng 8/2024 đã kích thích các doanh nghiệp nước này gia tăng nhập khẩu gạo. Philippines dự kiến sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, Indonesia có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo, thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024. Ngoài ra, cuối năm nay là thời điểm các nước tăng tốc nhập khẩu gạo, dự trữ cho mùa khô hạn sang năm.
Trước nhu cầu lớn, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 7/2024 đạt 751.093 tấn, trị giá 451,77 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và 39,7% về giá trị so với tháng 6, tăng 13,9% về lượng và 24,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng và tăng 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 5,3 triệu tấn và gần 3,34 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA nhận định, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của ngành gạo Việt sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 có thể cán mốc 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, lập kỷ lục mới.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sau nhịp điều chỉnh trong tháng 7, rồi đi ngang tích lũy quanh vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên trên 17.000 đồng/cổ phiếu trong tuần qua. Thanh khoản được cải thiện đáng kể, từ 100.000 - 200.000 đơn vị lên 600.000 - 700.000 đơn vị mỗi phiên.
Cổ phiếu NSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cũng đi lên, chạm ngưỡng 80.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây, tăng hơn 8% so với cuối tháng 7.
Tuy nhiên, diễn biến tương tự không xuất hiện với các cổ phiếu cùng ngành khác. Mã VSF của Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood), mã AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), mã TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) lại “bình chân như vại”.
Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ cải thiện
Hai thị trường mua nhiều gạo nhất của Việt Nam là Philippines và Indonesia dự kiến tăng mạnh sản lượng nhập khẩu năm 2024.
Ngành gạo đón nhận nhiều thông tin tích cực, nhưng chưa thể kéo cả nhóm cổ phiếu lúa gạo đi lên, có thể là do kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 không như kỳ vọng, dù giá xuất khẩu gạo bình quân ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 (theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Nửa đầu năm 2024, Angimex đạt gần 151 tỷ đồng doanh thu, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Do không còn doanh thu từ hoạt động bán xe Honda, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, trong khi giá vốn cộng thêm các khoản chi phí nên Angimex lỗ sau thuế 99,5 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ của cùng kỳ năm trước (lỗ 57,7 tỷ đồng).
Với Trung An, nửa đầu năm nay ghi nhận doanh thu 3.419 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn đà tăng của doanh thu nên sau khi trừ các chi phí, Công ty lỗ sau thuế 772 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 7,5 tỷ đồng.
Tại Vinaseed, 6 tháng đầu năm 2024 đạt doanh thu 1.071 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 93 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Vinafood có kết quả kinh doanh khả quan hơn khi mang về 11.242 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2024, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện và doanh nghiệp cắt giảm một số chi phí nên lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Lộc Trời xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2024 do gặp phải một số sự kiện bất khả kháng, cần ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh nên toàn bộ nhân sự phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt. Bên cạnh đó, Lộc Trời có sự biến động nhân sự cấp cao, ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp, cung cấp số liệu để hoàn thiện báo cáo tài chính quý II/2024 đúng thời hạn quy định.
Việc 2 thị trường mua nhiều gạo nhất của Việt Nam là việc Philippines và Indonesia tăng sản lượng nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, truyền thông quốc tế cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo, do lượng gạo tồn kho trong nước tăng cao kỷ lục. Khi đó, bản đồ gạo thế giới sẽ có sự dịch chuyển đáng kể, nguồn cung tăng và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn.
Trong khi đó, giá bán gạo của người nông dân cho doanh nghiệp cũng tăng, khiến giá vốn đầu vào tăng, doanh nghiệp không dễ lãi cao. Đáng lưu ý, tình trạng doanh nghiệp bị nhà nhập khẩu “ép” giá vẫn còn, nếu giá xuất khẩu không bù đắp được các chi phí kinh doanh sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, nhất là khi giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp nên linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh lúa gạo, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cần tránh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá gạo, nhằm bảo vệ và duy trì sự ổn định của ngành xuất khẩu gạo quốc gia.