Giá gạo tại Nhật Bản tăng gần gấp đôi, cơ hội cho gạo Việt xuất khẩu?

Số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/4 cho thấy giá ngũ cốc tăng 25,4%, trong đó giá gạo ghi nhận 'mức tăng khổng lồ' 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thiếu hụt. Điều này được cho là đang mở ra cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu chính thức của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/4, giá gạo tại nước này đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng tốc.

Trong khi đó, giá ngũ cốc cũng đã tăng vọt trong vài tháng gần đây, buộc Chính phủ Nhật Bản phải đưa một phần kho dự trữ khẩn cấp ra thị trường. Số liệu cho thấy giá ngũ cốc tăng 25,4%, giá gạo ghi nhận mức tăng khổng lồ 92,5%, do nguồn cung thiếu hụt.

Giá gạo của Nhật Bản tăng gần gấp đôi, gạo Việt Nam cũng đã tăng trở lại, vượt qua Thái Lan và Ấn Độ ở nhiều phân khúc.

Giá gạo của Nhật Bản tăng gần gấp đôi, gạo Việt Nam cũng đã tăng trở lại, vượt qua Thái Lan và Ấn Độ ở nhiều phân khúc.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt như trên, theo giới chức trách là do thời tiết nóng bức năm 2023 gây mùa màng thất bát và hiện tượng mua tích trữ do cảnh báo về một trận "siêu động đất" năm ngoái. Ngoài ra, lượng khách du lịch kỷ lục cũng được cho là nguyên nhân làm tăng tiêu thụ.

Nếu không tính thực phẩm tươi sống, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 3,0% của tháng Hai. Còn nếu không tính cả năng lượng, CPI cơ bản tăng 2,9% trong tháng Ba, so với 2,6% của tháng trước. Tuy nhiên, lạm phát tổng thể đã giảm nhẹ còn 3,6%, so với 3,7% trong tháng Hai.

Số liệu trên có thể củng cố kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất, vì lạm phát đã vượt mục tiêu 2% trong gần ba năm. Tuy nhiên, sự bất ổn do chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến BoJ tiếp tục giữ nguyên chính sách hiện tại.

Việc giá cả leo thang đang tạo áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba trong việc hỗ trợ người tiêu dùng nhiều hơn. Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu đấu giá kho dự trữ gạo quốc gia từ tháng trước - lần đầu tiên kể từ khi kho dự trữ này được lập ra vào năm 1995 - đồng thời đã đưa ra thị trường khoảng 210.000 tấn gạo. Dự kiến, khoảng 100.000 tấn gạo nữa sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng này.

Hiện, Nhật Bản không phải là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Úc. Gạo đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật cần đáp ứng rất nhiều tiêu chí.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, lần gần nhất gạo Việt Nam trúng thầu xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật Bản là từ năm 2012, tuy nhiên sau đó gạo Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa.

Vì vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, tương miso...

Năm 2022, lô gạo đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản với số lượng 100 tấn. Đến năm 2024, lô xuất khẩu thứ 2 đã tăng lên đến 6.000 tấn, gấp 60 lần so với lần đầu.

Ông Yoshino Takeshi – Giám đốc điều hành Ngân hàng Kiraboshi cho biết: “Thủ tục nhập khẩu gạo vào Nhật khá phức tạp, thông thường phải mất tới một năm rưỡi để xin được giấy phép. Tuy nhiên, chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này chỉ trong vòng nửa năm”.

Theo số liệu của Cục Hải quan, trong tháng 3.2025 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 54,82% về lượng, tăng 48,06% kim ngạch so với tháng 2.2025 nhưng giá giảm 4,37%. Tính chung cả 3 tháng 2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, tương đương gần 1,21 tỉ USD, giá trung bình 522 USD/tấn, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về kim ngạch và giảm 20,18% về giá so với cùng kỳ năm 2024.

Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 3 đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đưa kim ngạch tăng vọt và mở ra kỳ vọng mới cho thị trường trong năm 2025. Tuy nhiên, giá tăng cao, nguồn cung hạn chế và căng thẳng trong khâu logistics đang là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Trong ngắn hạn, xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào khả năng cân đối giá và duy trì ổn định nguồn cung sau vụ Đông Xuân.

Ở góc độ doanh nghiệp, dự báo giá gạo thời gian tới, đại diện một DN xuất khẩu gạo tại tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm, nhưng tăng không nhiều.

Nguyên nhân do trong hai năm qua, giá gạo tăng mạnh nên nhiều quốc gia cũng tăng diện tích trồng hoặc tăng vụ. Do đó, dự báo, năm 2025, lượng lương thực sẽ tăng khoảng 5 triệu tấn so với năm 2023 và 2024 (tăng khoảng 1%). Còn nếu trường hợp giá gạo giảm nữa, một số quốc gia sẽ bỏ vụ. Theo chu kỳ, khoảng 2 - 3 năm nữa, giá gạo sẽ tăng trở lại.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gia-gao-tai-nhat-ban-tang-gan-gap-doi-co-hoi-cho-gao-viet-xuat-khau-1106234.html
Zalo