Gia đình và xây dựng gia đình văn hóa hiện nay
Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội.
Vì vậy, gia đình cũng là một trong những vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Từ khi thành lập và trải qua các thời kỳ lãnh đạo đất nước, Đảng ta có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển “các tế bào” của xã hội sao cho thật mạnh khỏe, bền vững để tạo đà cho đất nước phát triển. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, nhưng nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cũng đang mất đi. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc.

Gia đình là tế bào của xã hội. Ảnh: HUYỀN THANH
Bên cạnh đó gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
Thực tiễn đã chứng minh, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng cao. Gia đình chính là “đơn vị xã hội” đầu tiên cung cấp lực lượng lao động cho xã hội. Từ những người lao động chân tay giản đơn đến những người lao động trí óc… đều được sinh ra, được nuôi dưỡng và chịu sự giáo dục của gia đình.
Không những thế, gia đình còn có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, các thế hệ trong gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất… Đảng ta chỉ rõ: Trong giai đoạn hiện nay để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, mà xét đến cùng, đó là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.
Chính vì vậy, trên cơ sở những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta xác định từ Đại hội VIII và Đại hội XII, XIII, Đảng ta phát triển “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cá nhân, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết nghĩ chúng ta cần tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội. Theo đó, cấp ủy và chính quyền các cấp phải đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Phát huy tốt vai trò và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội và trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Xây dựng gia đình Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình. Đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình nhằm hướng tới những phẩm chất của con người Việt Nam mà Đảng đã chỉ ra.
Hai là, xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác, như xây dựng khu dân cư văn hóa, làng, xóm, ấp văn hóa. Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và phúc lợi xã hội, giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam. Con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất về lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống văn hóa, tình nghĩa… nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Nhà trường có vai trò rất lớn trong việc đào tạo chiến lược con người. Phải chịu trách nhiệm trước xã hội về nhiệm vụ “dạy chữ, dạy người”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng cao. Cùng với hai chủ thể chính là gia đình, nhà trường thì các tổ chức đoàn thể khác, cộng đồng dân cư phải chung tay, sát cánh trong chiến lược đào tạo con người.
Ba là, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.Để mỗi tế bào xã hội mạnh khỏe thì công tác chăm sóc sức khỏe, trước hết là sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, thực hiện gia đình ít con phải được quan tâm, chú trọng. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, phải tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình.
Bốn là, tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ nhằm thực hiện bình đẳng giới. Phụ nữ là một nửa nhân loại, là những người mẹ, người vợ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa. Do đó, để phát huy năng lực, khuyến khích phụ nữ sáng tạo và cống hiến cần thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao học vấn đối với phụ nữ; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt chức năng thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Với tinh thần, nhận thức đó và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những giải pháp trên, chúng ta hy vọng trong thời gian tới vị trí, vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định. Các gia đình Việt Nam được quan tâm chăm lo xây dựng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để ngày càng “khỏe mạnh” hơn góp phần giữ vững nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà cho Việt Nam phát triển vững bước vào kỷ nguyên mới.
NGUYỄN HƯƠNG - ĐẶNG THỊ THU PHƯỢNG
(Trường Đại học Nguyễn Huệ)