Gia đình tan tác, người chị hát rong đi cùng trời cuối đất tìm 2 em

Gia đình tan tác mỗi người một nơi, 2 người em cùng mẹ khác cha thất lạc, mấy chục năm qua, chị Lệ vẫn đau đáu phải tìm các em để yên lòng mình.

Từ khi sinh ra, chị Lê Thị Mỹ Lệ đã phải chịu cái số gánh vác vượt quá sức của một người phụ nữ thông thường.

Là chị cả, từ năm 8 tuổi, chị Lệ đã theo mẹ và cha dượng đi hát rong trên tàu, xin tiền khách. Cha đàn, mẹ hát, con cầm ống bơ. Cha dượng mất sớm khi ông mới 30 tuổi. Chị học hát theo mẹ, thay cha gánh vác cả gia đình.

Chị Lệ, sinh năm 1977, là con riêng của bà Trần Thị Tâm với người chồng trước. Bà đến với ông Phạm Văn Sơn và có với nhau 3 người con chung. Ông Sơn cũng từng có 2 người con riêng với người vợ đầu.

Ông Sơn, bà Tâm và các con riêng, con chung của ông bà

Ông Sơn, bà Tâm và các con riêng, con chung của ông bà

Bà Tâm người gốc Huế. Ông Sơn người Thái Bình. Họ gặp nhau, sinh con và kiếm sống bằng nghề hát rong trên những chuyến tàu.

Từ ngày cha dượng mất, chị Lệ, mẹ và 2 người em cùng mẹ khác cha đi theo đoàn những người tàn tật, hát rong khắp các tỉnh từ Quảng Ngãi ra Bắc.

Ngày đó, mấy mẹ con thuê nhà trọ gần ga Huế. Nhà trọ không chia phòng, khách trọ ở chung trong một không gian, tính tiền theo giường.

Chị vẫn nhớ người phụ nữ mới đến trọ, khai tên mình là Nguyễn Thị Liên. Một ngày, chị đi hát về thì được mẹ báo “em Đèo bị người ta bắt đi mất rồi”. Người phụ nữ tên Liên đã dắt em Đèo đi.

Mất con, bà Tâm không báo công an, mà đi xem bói. Thầy bói bảo người ta dắt Đèo về hướng Bắc. Mẹ con chị Lệ lặn lội vừa đi hát vừa tìm con tới tận Lạng Sơn nhưng vô vọng.

Cậu bé Phạm Văn Đèo – em trai cùng mẹ khác cha với chị Lệ - chính thức mất tích.

Ga Huế - nơi mấy mẹ con chị Lệ từng thuê trọ, cũng là nơi người phụ nữ lạ dắt Đèo đi

Ga Huế - nơi mấy mẹ con chị Lệ từng thuê trọ, cũng là nơi người phụ nữ lạ dắt Đèo đi

Cuộc sống của mấy mẹ con vẫn phải tiếp tục nhờ thu nhập từ việc đi hát trên tàu của người chị cả.

Đến năm chị Lệ 19 tuổi, cái tuổi đã biết xấu hổ, mấy mẹ con dừng nghề hát rong để an cư lập nghiệp trên quê mẹ - đất Huế. Trên mảnh đất mượn của người dì, họ dựng lên một túp lều ở tạm.

Một năm sau, chị lấy chồng và sinh con đầu lòng. Đến năm 2000, chị cùng chồng bế con, dắt mẹ và em trai vào Bà Rịa – Vũng Tàu tìm nghề mới. Ở đây, thiên nhiên dễ chịu, con người hiền hòa khiến bà Tâm bớt bệnh hen suyễn.

Từ đó đến nay, gia đình chị vẫn ở lại với mảnh đất này, không đi đâu nữa.

Nói về bà Tâm, bà sinh được 3 người con với ông Sơn, gồm: Phạm Thị Xuân Lộc, Phạm Văn Đèo và Phạm Huy Hùng. Đèo mất tích. Hùng vẫn đi theo, sống cùng mẹ và chị Lệ từ nhỏ cho đến giờ.

Còn Xuân Lộc, cô sống cùng bác ruột ở Thái Bình từ lúc mới 1 tuổi. Vợ chồng người bác nhận nuôi Lộc làm nghề diễn xiếc. Ông nhận nuôi nhiều đứa trẻ, huấn luyện chúng từ nhỏ để đi biểu diễn cho nhóm xiếc gia đình.

Lộc nhớ, tuổi thơ của cô là những ngày tháng không có mấy niềm vui. Cô và những đứa trẻ khác bị bác đánh không biết bao nhiêu trận đòn, đến nỗi hàng xóm quanh đó ai cũng biết người bác nổi tiếng dữ dằn và nghiêm khắc.

Lộc không được sống cùng gia đình từ nhỏ, phải trải qua những ngày tháng tuổi thơ không có niềm vui

Lộc không được sống cùng gia đình từ nhỏ, phải trải qua những ngày tháng tuổi thơ không có niềm vui

Càng lớn, Lộc càng cảm thấy ngột ngạt khi sống trong nhà người bác. Cô cùng bọn trẻ tìm cách trốn đi nhiều lần nhưng đều bị bắt lại.

Mãi cho đến năm 14 tuổi, Lộc mới trốn thành công. Cô bắt đầu cuộc sống tự lập, lang bạt từ đó. Cô đi diễn cho các đoàn xiếc của Hải Dương, đi khắp đất nước, tận Mũi Cà Mau.

Nhớ về Lộc, chị Lệ rơi nước mắt. Chị kể, sau khi ba dượng mất, chị và mẹ từng về Thái Bình xin đón em Lộc về Huế đoàn tụ với gia đình nhưng người bác không cho.

Năm 1997, chị về một mình, nói là thăm em, nhưng thực ra có ý định “bắt cóc” em đi. Chị viết cho em một mẩu giấy: “Em ơi, chị ra lần này là để đón em về. Em hãy theo chị về, không cần mang quần áo hay bất cứ gì hết…”.

“Nhưng em còn dại quá, không hiểu chuyện, cầm lá thư đưa vào cho bác. Các bác giận, nghĩ tôi là kẻ xấu, sỉ nhục, mắng mỏ tôi, còn dọa sẽ đưa tôi ra công an. Bác lấy lý do Lộc ở đây được ăn sung mặc sướng, còn về với mẹ con tôi lại đi hát rong, không có nhà cửa, nay đây mai đó…”.

Kế hoạch “bắt” em đi không thành công, chị lại về Huế, trong bụng có chút giận em vì nghĩ em không hiểu cho tấm lòng của mình.

Mãi đến năm 2015, khi cuộc sống của chị đã ổn định, có cơm ăn áo mặc và gia đình yên ấm, chị lại nghĩ tới Lộc. Chị lặn lội về Thái Bình tìm em nhưng Lộc đã đi, vợ chồng người bác cũng đã mất.

Chị tìm về quê của cha dượng để hỏi thăm bà con. Chị để lại số điện thoại, dặn nếu thấy Lộc về thì đưa số điện thoại này cho em. Mỗi năm, chị lại gọi về cho người bà con một lần để hỏi thăm em Lộc nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Từ khi vào Vũng Tàu định cư, chị Lệ đi bán vé số cho tới giờ

Từ khi vào Vũng Tàu định cư, chị Lệ đi bán vé số cho tới giờ

Cùng mẹ, em Hùng và chồng vào Bà Rịa – Vũng Tàu, ban đầu, chị Lệ làm nghề đông lạnh. Thấy không được, chị chuyển qua bán vé số. Chị hiền lành nên được nhiều người thương, mua ủng hộ.

Bây giờ, chị vẫn kiếm sống bằng công việc này mỗi ngày, gần như chẳng dám nghỉ ngày nào, kể cả mùng 1 Tết.

Cuộc sống của chị vẫn vất vả, nhiều lo toan nhưng chị mãn nguyện khi đã có cái ăn, cái mặc, có mái nhà che đầu. Lúc này, chị lại nghĩ tới 2 người em và muốn đi tìm.

Cậu bé Phạm Văn Đèo năm ấy, sau khi bị người phụ nữ dắt đi đã suýt bị bán ở chợ Quảng Phú (Đắk Lắk) nhưng được người dân phát hiện ra và ngăn lại. Công an giao Đèo cho gia đình ông Thành chăm sóc một thời gian.

Người phụ nữ bắt cóc Đèo không hiểu sao trốn đi được nên không ai biết gia đình Đèo ở đâu. Vì thế, ông Thành nuôi Đèo cho tới khi trưởng thành.

Con trai ruột của ông Thành kể rằng, ngày ấy, khi hỏi nhà ở đâu, Đèo chỉ nói mình không có nhà, cả nhà đi hát rong trên tàu…

Chị Lệ kể, ba mẹ đặt tên Đèo là vì bàn tay phải của em có 6 ngón. Ở chỗ ngón cái mọc lên 2 ngón tay nhỏ. Nhưng cậu bé 4-5 tuổi khi ấy lại khai tên mình là Tèo và cái tên Phạm Quang Tèo gắn bó với anh từ đó cho đến bây giờ.

Bàn tay 6 ngón của Đèo là dấu hiệu nhận biết duy nhất người em thất lạc

Bàn tay 6 ngón của Đèo là dấu hiệu nhận biết duy nhất người em thất lạc

Đèo được ông bà Thành cho đi học mẫu giáo, đến lớp 1 thì nghỉ học, ở nhà chơi và phụ việc với ông bà. Lớn lên chút, anh đi canh rẫy giữa rừng cho người anh.

Đến tuổi trưởng thành, Đèo lập gia đình với một cô gái địa phương ở huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk – nơi anh bị người phụ nữ đưa đến. Hiện tại, Đèo có vợ, có con nhưng cuộc sống còn vô vàn vất vả.

Được nhận nuôi, Đèo không có tên trong bất kì giấy tờ nào của gia đình và địa phương. Không có căn cước công dân, cuộc đời anh gặp biết bao phiền toái và thiệt thòi. Anh cũng chẳng dám đi đâu khác làm ăn vì không có giấy tờ tùy thân.

Anh thuê đất dựng nhà, thuê đất làm rẫy, làm cả nghề đào giếng kiếm tiền nuôi vợ con bằng những giọt mồ hôi đắng ngắt.

Không có giấy tờ tùy thân, Đèo (Tèo) sống bằng nghề làm rẫy, khoan giếng thuê

Không có giấy tờ tùy thân, Đèo (Tèo) sống bằng nghề làm rẫy, khoan giếng thuê

Sau nhiều năm đăng ký tìm các em, chị Lệ nhận được sự giúp đỡ của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Cái kết thật mỹ mãn khi chị tìm lại được cả hai em Lộc và Đèo sau bao nhiêu năm trăn trở “không biết giờ này các em đang ở đâu”.

Bốn chị em khóc nức nở trên sân khấu. Dù khác cha nhưng họ cùng một khúc ruột của mẹ cắt ra. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, Đèo thốt lên: “Sao chị em mình khổ vậy!”.

Nhưng với sự lạc quan vốn có, với sự đùm bọc, chở che của một người chị cả suốt bao năm nay, chị Lệ động viên các em: “Chị em mình gặp được nhau là mừng quá rồi”. Chị dặn dò Lộc, nếu công việc chưa ổn định, hãy vào Vũng Tàu với chị, chị em bao bọc nhau. Lộc có thể đi làm công nhân như hiện tại.

Chị xúc động cảm ơn Nguyệt – vợ của Đèo, người phụ nữ đã đồng hành, yêu thương em trai chị suốt bao năm qua, không bận lòng việc em trai chị là đứa trẻ không thân thích.

Chị Lệ nghẹn ngào khóc khi được nghe kể về cuộc đời của 2 người em thất lạc

Chị Lệ nghẹn ngào khóc khi được nghe kể về cuộc đời của 2 người em thất lạc

Nhà báo Thu Uyên – chủ nhiệm chương trình NCHCCCL chia sẻ: “Chị Lệ là người đã cho chúng tôi thấy rằng có một thứ tình cảm gia đình, nó không chỉ là huyết thống”.

Chị Lệ tâm sự với các em: “Chị cũng không làm được gì rạng danh cho cha mẹ. Mấy chị em mình đều còn vất vả quá. Nhưng mình có thể giúp đỡ nhau về tinh thần.

Nếu Lộc vào Vũng Tàu, chưa có nhà, chưa có công việc, chị sẽ cho em chỗ ăn, chỗ ở. Còn nếu các em đã có chỗ yên ấm cho mình rồi, đến ngày giỗ cha, giỗ mẹ, mình tìm về với nhau. Chị chỉ mong như vậy thôi”.

Bốn chị em gặp nhau trên sân khấu của Như chưa hề có cuộc chia ly

Bốn chị em gặp nhau trên sân khấu của Như chưa hề có cuộc chia ly

Giờ đây họ đã tìm thấy nhau sau mấy chục năm thất lạc

Giờ đây họ đã tìm thấy nhau sau mấy chục năm thất lạc

Sau 17 năm thực hiện và phát sóng trên nhiều kênh truyền hình, Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) tự hào khi xây dựng được một hệ thống dữ liệu rất hữu ích trong việc kết nối người đi tìm và người thất lạc.

Trên website haylentieng.vn, người xem hoàn toàn có thể tự tra cứu những thông tin liên quan đến người thân thất lạc của mình bằng cách gõ tên, năm sinh, quê quán… Nhờ hệ thống dữ liệu này, nhiều gia đình đã được đoàn tụ.

Với mong mỏi trở thành một hoạt động xã hội do các cá nhân nuôi dưỡng một cách đều đặn và lâu dài, nhiều năm nay, ê-kíp chương trình đã khởi xướng hoạt động gây quỹ “Ổ bánh mì nối thân thương”, trong đó mỗi người trích ra 20 nghìn đồng/tháng gửi quỹ hoặc ví điện tử.

Để đồng hành với NCHCCCL trong việc xây dựng nguồn quỹ, tiếp tục hành trình giúp đoàn tụ cho hàng ngàn gia đình Việt Nam, trong những năm gần đây, báo VietNamNet trở thành cầu nối kêu gọi sự ủng hộ từ quý độc giả.

Toàn bộ số tiền độc giả ủng hộ chương trình thông qua báo VietNamNet sẽ được sao kê minh bạch và chuyển tới ê-kíp chương trình. Các thông tin về báo cáo thu chi, số trường hợp được tìm ra, số hồ sơ mới được lập… vẫn đang được NCHCCCL công khai hàng tháng trên các kênh fanpage, website và cuối mỗi tập được phát sóng.

Độc giả ủng hộ NCHCCCL thông qua báo VietNamNet vui lòng gửi tới số tài khoản sau:

Quỹ từ thiện Báo VietNamNet

Ngân hàng Vietcombank - Số Tài Khoản: 001 100 264 3148

Chủ TK: Báo VietNamNet

(Vui lòng ghi rõ nội dung chuyển khoản: Ủng hộ NCHCCCL + Tên + Số điện thoại)

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-dinh-tan-tac-nguoi-chi-hat-rong-di-cung-troi-cuoi-dat-tim-2-em-2374148.html
Zalo