Gia đình nhà thơ Thâm Tâm sưu tầm được hơn 200 tác phẩm của nhà thơ
Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm (quê TP Hải Dương) chia sẻ với phóng viên Báo Hải Dương, đến hết tháng 6 năm nay, gia đình đã phối hợp sưu tầm được hơn 200 tác phẩm của nhà thơ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quốc gia Pháp, các nhà sưu tầm trong, ngoài nước, đến hết tháng 6/2024, gia đình đã sưu tầm được trên 200 tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm.
Đó là 101 truyện ngắn đã in trong Tân Việt Văn Đoàn, Tuần báo Bắc Hà, Tiểu thuyết Thứ bảy, Báo Quốc hội, Nhà xuất bản Văn hóa cứu quốc, Nhà xuất bản Vệ quốc quân từ năm 1936-1948. Cùng với đó là 28 truyện vừa, 2 tiểu thuyết, 38 vở kịch; 50 bài thơ và 2 tập Miền Nam chiến đấu diễn ca do nhà thơ Thâm Tâm sáng tác. Ngoài ra, gia đình đã sưu tầm được hàng chục tranh bìa Tuần báo Bắc Hà, minh họa cho Tân Việt Văn đoàn và Tiểu thuyết Thứ bảy, từ năm 1935-1944, đều do nhà thơ Thâm Tâm vẽ...
Ông Nguyễn Tuấn Khoa cho biết gia đình sẽ tiếp tục liên hệ với các nhà xuất bản để in lại những tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm mới sưu tầm được.
Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12/5/1917, ở số nhà 69 phố Đông Môn (thị xã Hải Dương), nay là phố Phạm Hồng Thái, trong một gia đình nhà giáo nền nếp. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông nhập ngũ, là Thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc Quân (tiền thân Báo Quân đội Nhân dân). Ngày 18/8/1950, ông mất đột ngột trên đường đi công tác trong Chiến dịch Biên giới và được mai táng tại Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Yên (nay là huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).
Tại Hải Dương đã có một phố mang tên Nguyễn Tuấn Trình từ ngày 28/6/2004 theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương. Phố kéo dài từ phố Ngô Hoán đến phố Nguyễn Đổng Chi, cắt với phố Lý Tự Trọng và phố Lý Anh Tông. Phố Nguyễn Tuấn Trình chỉ dài 400 m nhưng là con phố đẹp và rợp mát cây xanh.