'Gia đình có bốn chị em gái': Tiểu thuyết phơi bày mặt trái của gia đình, xã hội

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, 'Gia đình có bốn chị em gái' là cuốn tiểu thuyết vừa mang tính đe dọa' nhưng cũng mang tính cảnh báo về những thói xấu đâu đó vẫn tồn tại, len lỏi trong đời sống.

 Tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái"

Tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái"

Buổi tọa đàm tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy vừa được tổ chức tại NXB Hội Nhà văn (Hà Nội). Chương trình được điều phối bởi nhà thơ Hữu Việt cùng sự tham gia của các diễn giả: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, TS. Đỗ Thị Hường, nhà văn Di Li…

Với tựa đề rất bình thường, có phần "thùy mị", nhưng tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái lại mang nhiều bi kịch. Gia đình ông bà Bình - Bằng có bốn cô con gái là Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên, mỗi cái tên đặt cho con đều được gửi gắm những mong ước đẹp đẽ. Nhưng mỗi người trong "vũ trụ tứ nữ" đó lại có một số phận không yên ả, khi tính cách họ được đẩy lên đến tận cùng, thậm chí đến mức cực đoan.

Đó là một cô Thương "chịu thương chịu khó, vun vén cho gia đình tới mức vơ váo, thèm khát vật chất đến tuyệt vọng". Là một cô Ái "dễ dãi đến lười biếng, không bao giờ đọc hết được một trang sách, không bao giờ biết nhường cho chị hay em một miếng bánh lớn hơn, thực dụng tới mức độ thô tục, bất kỳ ai có tiền đều là bạn tốt, không tiền, không quyền thì chẳng liên quan". Là một cô An "trung thực tới mức bị nghĩ là dở hơi hoặc giả dối, luôn chống lại mọi sự dựa dẫm, quan hệ vì niềm tin trong sáng, luôn đau đáu vật lộn với sự hổ thẹn khi chứng kiến người ta sẵn sàng vi phạm liêm chính để được nhiều hơn người khác". Là một cô Yên cứ mặc kệ mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy, miễn là cứ theo thời cuộc.

Mỗi người trong bọn họ đều cố tìm cách thu vén nhiều nhất cho tổ ấm riêng của mình, điều này đã dẫn tới sự chênh lệch điều kiện sống giữa các gia đình. Chính hố ngăn cách khác biệt về đời sống vật chất và sự thụ hưởng các quyền lợi xã hội đã nuôi lòng đố kị, sau đó là sự thù hận nghiệt ngã giữa Thương và Ái.

Song, thông điệp quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết dày hơn 600 trang của mình là sự bất bình đẳng cơ hội vì văn hóa thân tộc, "một người làm quan cả họ được nhờ". Những vị trí việc làm tốt đẹp dần rơi vào tay những chân rết trong cùng một gia tộc và sự lũng đoạn giống như một tổ mối, ăn mòn cả xã hội. Đây là một vấn nạn mà báo chí đã nhắc đến nhiều, tuy nhiên, hệ lụy của nó thế nào thì lần đầu tiên được một cuốn tiểu thuyết đề cập tới theo cách sâu sắc và châm biếm.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" trong tọa đàm

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" trong tọa đàm

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết vừa mang tính "đe dọa", nhưng cũng mang tính cảnh báo về những thói xấu đâu đó vẫn tồn tại, len lỏi trong đời sống. "Vấn đề tác giả đặt ra rất rộng, đời sống thường nhật như được cô đọng, ép vào trang sách. Người đọc có thể đổ vỡ theo đời sống đương đại nhiều ích kỷ, hủ lậu, mưu mô, đê tiện trong tác phẩm, nhưng có khi cũng được hàn gắn những vết thương sẵn có", ông nói. Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Gia đình có bốn chị em gái thể hiện lối viết cao tay, nghệ thuật của một nhà văn thông minh, thời thượng.

PGS.TS. Phạm Xuân Thạch nhận định: "Đó là một tiểu thuyết về đời sống đương đại, về sự tan rã của một gia đình, một gia đình có bốn chị em gái, cùng trải qua sự khốn cùng và nghèo khó và cuối cùng, giấc mơ về sự phồn vinh được xây dựng theo những cách khác nhau nhưng cách nào cũng đều không kém phần cay đắng".

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó. "Tôi cho rằng Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy là một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...".

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: "Gia đình có bốn chị em gái theo tôi là một tiểu thuyết hay, hấp dẫn, có sức nặng của tâm tư, cảm xúc và trí tuệ được viết bằng một nhiệt hứng vừa sôi nổi vừa sâu lắng".

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, từng là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, chị làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện tại chị làm quản trị viên tại một tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp. Chị từng đoạt giải Nhì Cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải Nhất) do Quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức. Trước Gia đình có bốn chị em gái, chị đã xuất bản các tác phẩm: Tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), tiểu thuyết Đáy giếng (2015), tập truyện ngắn Zero (2017).

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-dinh-co-bon-chi-em-gai-tieu-thuyet-phoi-bay-mat-trai-cua-gia-dinh-xa-hoi-20241026095853475.htm
Zalo